Nữ đoàn viên người Thu Lao dám nghĩ, dám làm

22:20 07-11-2024 | :108

Laocaitv.vn - Dám nghĩ, dám làm, với quyết tâm thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương khô cằn, thiếu nước quanh năm, được ví là "Trường Sa cạn", chị Tẩn Thị Hà, đã vượt qua rất nhiều khó khăn để phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 

Năm 2021, khi dịch bệnh Covid - 19 bùng phát, cũng là lúc vợ chồng chị Tẩn Thị Hà không thể đi xa làm thuê được nữa. Trở về quê, không có việc làm, chứng kiến cảnh đồng đất sản xuất của bà con trong thôn phần lớn bị bỏ hoang hóa do thiếu nước tưới. Nhận thấy, đây chính là tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi gia súc bán chăn thả, hai vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dê.

Vợ chồng chị Tẩn Thị Hà đầu tư mô hình nuôi dê.

Chị Tẩn Thị Hà, thôn Thải Giàng Sán, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương chia sẻ: “Không đơn giản cũng không khó lắm, nuôi dê cũng hay bị bệnh lắm, nhất là vào mùa mưa, những lúc như vậy rửa chuồng, lấy thuốc về khử trùng. Đến nay thì đàn dê cũng đang phát triển bình thường”.

Với gần 100 triệu đồng tích cóp được từ đi làm thuê, vợ chồng chị Hà vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 50 con dê lớn, nhỏ. Với phương châm vừa nuôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian đầu thực hiện mô hình nuôi dê thương phẩm gia đình chị Hà gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tính cần cù, chịu khó, tìm tòi kiến thức chỉ dẫn chăn nuôi dê trên tivi, báo, đài, đặc biệt trên các trang mạng internet, chỉ sau đợt nuôi đầu, chị Hà đã từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Sau gần 2 năm, đàn dê đã phát triển lên hơn 100 con và cho xuất chuồng lứa dê thịt đầu tiên, thu về gần 100 triệu đồng. 

Chị Tẩn Thị Hà (bên trái).

Chị Tẩn Thị Hà bày tỏ mong muốn: “Trong thời gian tới, vợ chồng tôi cũng muốn phát triển hơn, rất mong nhận được sự quan tâm của Nhà nước, để phát triển kinh tế gia đình”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hà còn rất năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động phong trào của địa phương. Chị cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê cho bà con trong thôn, trong xã khi có nhu cầu, đặc biệt là những bạn đoàn viên mong muốn khởi nghiệp từ mô hình này.

Chị Giàng Seo Phủng, Phó Bí thư Đoàn xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương cho biết: “Đây là mô hình điểm để cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong toàn xã học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Hy vọng thời gian tới có nhiều bạn đoàn viên thanh niên học tập mô hình này để phát triển kinh tế”.

Trước khi lập nghiệp, gia đình chị Hà là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của xã. Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm, đến nay gia đình chị không những thoát được nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá giả. Thành công của chị Tẩn Thị Hà là tấm gương sáng để thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương học tập và làm theo.

Đức Toàn - Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết