Si Ma Cai đầu tư cho giáo dục vì tương lai phát triển

14:48 01-12-2020 | :686

Laocaitv.vn - 100% số trường học từ giáo dục mầm non đến trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn, 61% tổng số trường đạt chuẩn, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 70% đạt trên chuẩn. Những con số này không chỉ khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai đến sự nghiệp trồng người mà còn là nền tảng quan trọng, tạo sức phát triển nhanh, bền vững ở địa phương này trong tương lai. 

Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở xã Cán Cấu có đầy đủ phòng học khang trang, kiên cố.

Thêm 8 phòng học mới được xây dựng, các trang thiết bị cho phòng tin học, ngoại ngữ, phòng thí nghiệm, các môn khoa học tự nhiên cũng được đầu tư. Đó là chưa kể đến cả chục phòng ở bán trú cho học sinh, cũng như các công trình phụ trợ khác đã được xây dựng trong 5 năm gần đây. Sự quan tâm đầu tư ấy không chỉ giúp Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở xã Cán Cấu hội tụ đủ các điều kiện của một trường đạt chuẩn quốc gia, mà quan trọng hơn là nó đã giúp nâng đáng kể kết quả dạy và học của thầy trò nhà trường. Ông Lê Duy Đông, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Từ khi Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, các cháu được về đây ăn ở và học tập tại chỗ, cũng như được đầu tư các phòng học chức năng, phòng học bộ môn, chất lượng giáo dục của trường được nâng cao rõ rệt. Trước năm 2015 chỉ có 3 học sinh đạt học sinh giỏi cấp trường, không có học sinh giỏi cấp huyện, đến năm học 2019 - 2020 vừa rồi nhà trường đã có 11 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 5 giáo viên đạt loại giỏi cấp huyện và có 1 giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi cấp tỉnh”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Cán Cấu chỉ là một trong nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Si Ma Cai nhận được sự quan tâm đầu tư cải thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học trong giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, Si Ma Cai còn đặc biệt quan tâm triển khai các chính sách thu hút, thực hiện đào tạo lại để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đạt chuẩn và trên chuẩn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai cho biết: “Hiện tại, 100% cán bộ quản lý, giáo viên ở huyện Si Ma Cai đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 70%. Về chất lượng đại trà qua các năm tỷ lệ học sinh chuyển lớp, vào cấp học mới đạt trung bình từ 99% trở lên. Mấy năm vừa qua Si Ma Cai đều có học sinh giỏi cấp tỉnh, năm vừa rồi thì được mùa. Tính trung bình 5 năm qua, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung học phổ thông hoặc học nghề đạt 75%. Nhiều mô hình trường học gắn với thực tiễn như mô hình trường học nông trại, mô hình bán trú của Si Ma Cai tiếp tục được tăng cường, phát triển theo hướng sâu hơn”.

Cơ sở vật chất đảm bảo thì chất lượng giáo dục của các trường học sẽ ngày càng tốt lên.

Trước yêu cầu cao hơn về chất lượng, ngành Giáo dục Lào Cai đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Ở Si Ma Cai cũng vậy, thậm chí không ít những trường học nguy cơ mất chuẩn hoặc khó đáp ứng được yêu cầu giáo dục sau khi thực hiện sáp nhập hoặc di chuyển học sinh từ các điểm trường lẻ về trường chính. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục thì sự quan tâm, tiếp tục đầu tư của Nhà nước là hết sức quan trọng. Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: “Năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022 sẽ đưa 100% học sinh lớp 3 ở điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính. Cơ sở vật chất của nhà trường hiện tại cũng chỉ đáp ứng đủ các phòng học. Về các phòng học chức năng hiện tại nhà trường còn thiếu rất nhiều. Trong giai đoạn tới, để đáp ứng được tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ 2 thì chúng tôi cũng kiến nghị sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của các em”.

Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, trong chặng đường gian nan của sự nghiệp giáo dục Lào Cai chúng ta đã từng nghe nói đến phong trào ủng hộ lương thực cho các học sinh đến trường của bà con Nhân dân các dân tộc xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai. Tiếp sau đó là những tấm gương các thầy cô không chỉ tận tụy với nghề mà còn sẵn sàng san sẻ những đồng lương, thậm chí nợ lượng thực, thực phẩm khi chính sách chưa đến kịp thời để con em đồng bào được chăm lo đầy đủ khi tới lớp tới trường. Và hôm nay, bức tranh tươi mới về chất lượng một lần nữa khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai đối với sự nghiệp "trồng người". Đó cũng chính là động lực, tiếp tục khơi dậy tinh thần hiếu học của Nhân dân các dân tộc, góp sức vào xây dựng quê hương Si Ma Cai ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết