Tại sao dễ bị lừa đảo trên không gian mạng?

20:48 29-08-2023 | :1068

Laocaitv.vn - Không chỉ xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong nước, mà tại Lào Cai gần đây, số vụ lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong khi đó, việc đấu tranh với loại tội phạm này vẫn là thách thức đối với cơ quan chức năng.

 

Đối tượng Lê Đức Duy (trái ảnh) tại cơ quan điều tra.

Cuối tháng 7 vừa qua, chị H.N.T tìm mua một chiếc điện thoại Iphone trên mạng. Qua một hội nhóm trên Facebook, chị được một chủ tài khoản có tên Duy Khanh nhắn tin quảng cáo với cam kết có điện thoại đúng như yêu cầu. Khi chốt đơn, người này yêu cầu chị T chuyển khoản 7 triệu đồng và chuyển hàng ngay sau đó. Vậy nhưng, thực tế không như vậy. Chị H.N.T, nạn nhân bị lừa đảo qua mạng cho biết: "Sau khi thống nhất giao dịch, em đã chuyển khoản tới tài khoản Lê Duy Khánh 7 triệu đồng. 20 phút sau em đã bị họ chặn liên lạc. Sau khi cảm thấy bị lừa, em tìm tới Công an thành phố Lào Cai".

Chủ nhân của tài khoản Facebook đó là Lê Đức Duy, 18 tuổi, quê Yên Bái, vừa bị Công an thành phố Lào Cai tạm giữ để điều tra về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng”. Theo lời khai, đầu năm 2023, Duy lập 1 Facebook đăng bán các sản phẩm điện thoại cũ chính hãng, giá rẻ. Khi “cá cắn câu”, Duy yêu cầu khách hàng chuyển một phần tiền đặt cọc hoặc toàn bộ số tiền mua hàng vào tài khoản của em trai mình. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chặn Facebook của nạn nhân. Với chiêu bài này, gần 30 người đã mắc bẫy, số tiền từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng. Đối tượng Lê Đức Duy, lừa đảo không gian mạng cho biết: "Vào những hội nhóm ở trang mua bán điện thoại, sau đó cháu comment bài viết của họ. Họ cần thì nhắn tin cho cháu. Sau khi nhận được tiền, cháu chặn Facebook của họ. Nhiều từ 6-7 triệu đồng".

Người dân cần cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo trên mạng, không để lộ lọt thông tin cá nhân.

Chỉ bằng việc đăng tải bán điện thoại trên trang cá nhân, nhiều người dễ dàng đặt niềm tin vào việc mua hàng online. Không chỉ đặt cọc tiền, không ít người thậm chí chuyển tiền trước mà không kiểm chứng người bán hàng có uy tín hay không. Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lào Cai khởi tố 3 đối tượng, 2 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đều sử dụng mạng xã hội Facebook, lợi dụng lòng tin của nạn nhân và chiếm đoạt tài sản. Theo lực lượng chức năng: Có hàng chục thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng được lật tẩy gần đây. Tuy nhiên, việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Trung tá Trần Phi Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Lào Cai cho biết: "Đường link của đối tượng lừa đảo chủ yếu là bên Lào, Campuchia, rất chi khó bắt được đối tượng. Chúng tôi phối hợp các Cục, chưa bắt được. Rất nhiều người lừa với số lượng tiền lớn liên quan đến sàn các chứng khoán ảo, chúng tôi đang giải quyết vụ lừa đảo liên quan đến sàn giao dịch".

Tội phạm trên không gian mạng tăng cả về số vụ, quy mô và mức độ tinh vi, 5 năm qua, Công an Lào Cai bắt giữ 29 vụ, khởi tố 131 đối tượng, số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: "Xuất phát từ ham muốn vật chất, để lộ lọt thông tin lên mảng rất nhiều, nên các đối tượng lợi dụng vào đấy liên quan đến làm giả tài khoản. Chính thông tin đó lại lừa người thân của chúng ta. Các đối tượng sử dụng công cụ hiện đại, ví dụ công nghệ Deepfakes tái tạo hình ảnh, âm thanh, gọi video vay tiền, người nhẹ dạ tin theo".

Không để lộ lọt thông tin cá nhân, không đăng nhập đường link lạ, cảnh giác với các kênh đầu tư, chứng khoán, tiền ảo; không hám lợi tin vào việc nhẹ lương cao, quà tặng... là những kỹ năng cơ bản để mỗi người tự bảo vệ bản thân, không bị mắc bẫy tội phạm./.

Trung Kiên - Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết