Truyền thải sắt cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh

15:16 19-09-2024 | :81

Laocaitv.vn - Để duy trì sự sống cho bệnh nhân Thalassemia (hay còn được gọi là bệnh tan máu bẩm sinh), bệnh nhân cần phải điều trị bằng truyền máu. Tuy nhiên, việc truyền máu nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng sắt và cần được truyền thải sắt để phòng, tránh biến chứng nguy hiểm. Từ đầu năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai phương pháp truyền thải sắt cho người bệnh bằng thuốc Demoferidon, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

10 năm qua, em L.V.K phải gắn bó với bệnh viện để duy trì sự sống. Không có điều kiện về Trung ương truyền thải sắt, bệnh nhi gặp nhiều biến chứng do ứ đọng sắt gây ra. Điển hình là năm 2021, em đã phải phẫu thuật để cắt lá lách do những biến chứng của bệnh gây ra.

Em L.V.K được truyền thải sắt tại Bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ bệnh nhi L.V.K cho biết: “Bé thứ 2 phát hiện lúc 7 tháng, được 17 tháng thì mất. Cháu này cũng 7 tháng phát bệnh, từ đấy tháng 2 lần đi truyền máu. Trước ở đây chưa có truyền thải sắt thì đi Hà Nội, khó khăn lắm, phải vay mượn anh em”.

Phát hiện mắc tan máu bẩm sinh từ 2 tháng tuổi, 1 tháng 2 lần, bệnh nhi này phải đến Bệnh viện để truyền máu (ảnh dưới). Điều trị bệnh bằng truyền máu nhiều lần khiến em bị sạm da, gan, lá lách sưng to, ăn ngủ kém. Từ khi được truyền máu kết hợp thải sắt bằng thuốc Demoferidon tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sức khỏe của bệnh nhi đã khá hơn.

Bệnh nhi được bác sĩ thăm, khám.

Chị Vi Thị Hình, mẹ bệnh nhi H.T.T chia sẻ: “Cháu bị 10 năm rồi, không có điều kiện đi Hà Nội truyền thải sắt. Từ khi được truyền ở Bệnh viện tỉnh cháu đỡ hơn nhiều, da đỡ sạm hơn, hy vọng con kéo dài sự sống hơn”.

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý, điều trị truyền máu và thải sắt cho 30 bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Theo các bác sĩ, việc truyền máu kết hợp với liệu pháp thải sắt sẽ ngăn ngừa tích tụ sắt, giảm biến chứng do ứ đọng sắt trong cơ thể, cải thiện và nâng cao sự sống cho người bệnh.

Bác sĩ Vũ Lê Thủy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “ Cơ thể không tự thải được sắt sẽ tích tụ ở tim, gan, các mô, tuyến nội tiết khiến suy gan, suy tim. Bệnh nhân đến với chúng tôi thường có tình trạng ứ thừa sắt, da xanh sạm, gan, nách to. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh nhân vào được truyền máu, thải sắt để dùng thuốc bổ gan”.

30 bệnh nhi đang được quản lý, điều trị tại Bệnh viện.

Trước đây, 100% trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn tỉnh có chỉ định thải sắt bằng đường truyền tĩnh mạch, phải chuyển lên tuyến Trung ương điều trị. Việc sử dụng thuốc thải sắt Demoferidon bằng đường truyền tĩnh mạch cho người bệnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.

Vân Anh – Tuấn Linh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết