Xã hội hóa giáo dục – Điểm tựa cho giáo dục vùng cao

18:45 19-11-2020 | :1116

Laocaitv.vn - Trong điều kiện kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng trong tỉnh còn chênh lệch, ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn...thì việc xã hội hóa giáo dục được xem là giải pháp tích cực giúp ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”. Trên thực tế, tại Lào Cai, những năm qua công tác xã hội hóa được các cơ sở giáo dục thực hiện tốt, bằng những cách làm linh hoạt và sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Bà con thôn Biên Hòa mang thực phẩm xuống Trường Mầm non Nậm Chạc để đóng góp cho nhà trường.

Mỗi tháng 1 lần, chị Phàn Thị Chẩu lại cùng bà con thôn Biên Hòa mang củi, mang gạo xuống Trường Mầm non Nậm Chạc, huyện Bát Xát để đóng góp cho nhà trường. Việc đóng góp này là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Ai có gì thì mang nấy, một cân lạc, vài lạng đỗ đen, hay một, hai quả bí hái trong vườn nhà. Chị Chẩu cùng các bậc phụ huynh khác mong muốn sự chia sẻ của mình sẽ giúp các con ở trường có thêm sức khỏe để học tập. "Lúc đầu khi nhà trường mới vận động thì bà con cũng chưa hiểu nên chưa thực hiện nhiều. Nhưng đến giờ thì ai cũng biết đóng góp như thế này là tốt cho chính con của mình. Chúng tôi thấy con đi học về khỏe mạnh, vui vẻ thì cũng rất yên tâm rồi", chị Phàn Thị Chẩu, thôn Biên Hòa, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát chia sẻ.

Các phụ huynh hỗ trợ nhà trường chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ.

Theo quy định hỗ trợ ăn trưa cho trẻ bậc mầm non, mỗi em nhỏ sẽ có suất ăn trị giá 7.000 đồng. Và những sự đóng góp của phụ huynh sẽ giúp các bé có thêm bữa ăn đủ đầy hơn, nhiều dinh dưỡng hơn. Không chỉ đóng góp hiện vật, bà con còn sẵn sàng bỏ công để giúp các điểm trường chăm sóc các em nhỏ.

Xã hội hóa trong Nhân dân, với 1 địa bàn nhiều khó khăn như Nậm Chạc, thì chủ yếu là việc đóng góp lương thực, thực phẩm, ngày công. Những sự chia sẻ, động viên của bà con Nhân dân là động lực lớn để các nhà trường vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đã đề ra. Tuy nhiên, có những sự đóng góp cũng khiến không ít người phải bất ngờ. Như tại Nậm Chạc, mới đây, một hộ dân người Mông ở Suối Thầu 3 đã đồng ý hiến tới 1.000 m2 đất, tạo điều kiện cho việc xây dựng một điểm trường mới đẹp hơn, khang trang hơn, và nhất là an toàn hơn cho con em của mình. "Để có thể khởi công xây dựng được điểm trường này, lúc đầu người dân cũng chưa thông, chưa đồng thuận. Xã cũng đã xuống dân, cùng với các thầy cô giáo vận động, giải thích, đến giờ phút này họ đã rất đồng ý rồi. Những năm gần đây, bà con đã chuyển biến nhiều trong nhận thức về việc học của con em mình", ông Chảo Duần Hin, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát nói.

Việc xã hội hóa giáo dục được triển khai hiệu quả góp phần đưa công tác dạy và học có nhiều khởi sắc.

Hiệu quả từ hoạt động xã hội hóa giáo dục ở Bát Xát nói riêng, ở Lào Cai nói chung đã thể hiện qua việc hệ thống trường, lớp ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng, công tác dạy và học có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Việc kêu gọi xã hội hóa cần bảo đảm tính công khai, dân chủ, tự nguyện của mỗi cá nhân, phải đi liền với giám sát. Có như vậy, xã hội hóa giáo dục mới thực sự phát huy hiệu quả và thể hiện tính ưu việt của một chủ trương.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết