Những cú hích quan trọng
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, cụ thể là trong gần 3 năm qua (2016-2018), tỉnh Lào Cai đã đưa ra nguyên tắc thực hiện: Nội dung nào dễ làm trước, khó làm sau; nội dung nào ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau, nơi nào được sự đồng thuận của nhân dân làm trước, chưa đồng thuận thì làm sau; không đầu tư dàn trải các tiêu chí, triển khai thực hiện các nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên; thực hiện cơ chế khoán gọn đối với những nội dung thực hiện được; các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, do cộng đồng dân cư đề xuất, lựa chọn và người dân đồng ý tự nguyện đóng góp, tham gia để xây dựng…
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh Lào Cai đã ban hành các cơ chế chính sách đúng quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của tỉnh như: Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; cơ chế hỗ trợ làm nhà văn hóa khu dân cư. Tỉnh cũng đã ban hành quy định về Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và tổ chức công bố “Thôn nông thôn mới”, “Thôn kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020; đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới thiết thực, hiệu quả.
Đặc biệt, một số huyện còn ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới như: Thành phố Lào Cai ban hành chính sách hỗ trợ 600.000 đồng/vị trí lắp bóng compact đèn đường; 1,2 triệu đồng/vị trí lắp bóng cao áp; 120 triệu đồng/km đường chiều rộng 2m. Huyện Bát Xát hỗ trợ xi măng, cát sỏi làm đường giao thông liên gia, đường ngõ xóm, hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế (30 triệu đồng/mô hình); hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hóa thôn (10 triệu đồng/nhà); hỗ trợ bảng biểu tuyên truyền (3 triệu đồng/thôn)... đây đều là những cách làm sáng tạo, có tính lan tỏa cao trong xây dựng nông thôn mới.
Những con đường êm thuận đã giúp các địa phương vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm qua một số kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018 cho thấy: Xác định phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là vấn đề cấp thiết và có tính chất sống còn với xã hội, nhằm rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo, xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Từ 2016 đến nay, toàn tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp hơn 1.035km đường giao thông nông thôn (tính từ 2012 đến nay đạt trên 4.363km). Hết năm 2017, toàn tỉnh có 48/143 xã hoàn thành tiêu chí giao thông; dự kiến hết năm 2018, toàn tỉnh có 59/143 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông.
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và là gốc của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động, tổ chức lại sản xuất, tích cực quan tâm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, coi trọng công tác vận động nhân dân triển khai chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Một số địa phương coi trọng việc mời gọi các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất với người dân đem lại hiệu quả cao. Tính đến hết năm 2017, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 18,32 triệu đồng/người/năm, tăng 5,21 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân tại những xã vùng cao còn chưa đồng đều, một số xã thu nhập mới đạt từ 12-15 triệu đồng. Hết năm 2017, toàn tỉnh có 38/143 xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng 6 xã so với năm 2015.
Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, lồng ghép với nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn do dân góp. Công tác phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm của địa phương như: Lập đồ án quy hoạch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng hệ thống an ninh chính trị vững mạnh với tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện cho Chương trình giai đoạn 2016-2017 đạt trên 3.458 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2018, nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới đạt trên 1.800 tỷ đồng.
Triển khai nghiêm túc, chủ động và sáng tạo trong thực hiện cơ chế chính sách của Trung ương trong việc bố trí nguồn lực, đồng thời lựa chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua “Lào Cai xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” đã tạo phong trào sâu rộng ở các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; đến hết năm 2017, Lào Cai đã có 35 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đã hoàn thành “Xã nông thôn mới” luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo các xã này duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt chuẩn. Hơn nữa, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai xác định, phấn đấu xây dựng huyện Bảo Thắng hoàn thành “Huyện nông thôn mới” vào năm 2020.
Thu hoạch lúa mùa ở huyện Bảo Yên.
Nỗ lực vượt khó
Thực tế qua quá trình triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm như: Làm thế nào để tiêu chí thu nhập đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai đến nay mới đạt 18,32 triệu đồng/người/năm), đây là tiêu chí khó hoàn thành đối với các xã miền núi; vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi trình độ sản xuất của người dân nhiều nơi còn lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ cấp xã còn hạn chế.
Hơn nữa, việc phân bổ dân cư ở các thôn, bản còn rải rác, công tác quy hoạch chưa được thống nhất, lâu dài, vị trí trung tâm của các xã còn hạn hẹp, hết quỹ đất. Hạ tầng nông thôn còn nhiều vấn đề cần giải quyết; công tác vệ sinh làng, bản, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy một số xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nhưng vẫn còn một số tiêu chí về môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội đã đạt nhưng chưa thật sự bền vững.
Đặc biệt, huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất bởi để xây dựng toàn bộ các xã đạt chuẩn nông thôn mới cần phải có nguồn lực lớn; theo tính toán của cơ quan chuyên ngành, giai đoạn 2016-2020 cần trên 7.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước chiếm gần 44%, còn lại là các nguồn vốn khác. Do đó, cần tích cực huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao. Việc triển khai đầu tư phải phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, không để nợ đọng, vượt quá khả năng thanh toán.
Mặc dù là tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp, còn nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Bảo Thắng). Bình quân mỗi xã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới và không có xã dưới 5 tiêu chí.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Lào Cai đã lựa chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, bao gồm: Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng đường giao thông nông thôn, duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sau đầu tư; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn và giữ gìn an ninh trật tự nông thôn.
Bên cạnh đó, Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Coi trọng các nội dung tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành nghề, nâng năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự ngày càng tốt hơn để nông thôn mới phát triển bền vững.
Để xây dựng thành công nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh xác định đây là cuộc vận động mang tính toàn diện, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng nhất là phải phát huy tối đa vai trò của người nông dân trong tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết