Laocaitv.vn - Mùa Xuân là khoảng thời gian bắt đầu của một năm, mùa sinh sôi nẩy nở của vạn vật. Các sự vật, sự kiện ra đời vào mùa Xuân thường khởi đầu sự phát triển mạnh mẽ, liên tục, trường tồn. Cách đây 71 mùa Xuân, vào tháng 3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập, sự kiện khởi đầu tạo ra sự đổi thay sâu sắc, triệt để của con người và mảnh đất Lào Cai như hôm nay. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thú vị.
Gần ba phần tư thế kỷ đã đi qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến hành nhiều cải biến cách mạng quan trọng để giải phóng Lào Cai khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp; tiễu phỉ, làm thất bại âm mưu chia rẽ, gây mất đoàn kết các dân tộc của các thế lực phản động; tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trực tiếp, phối hợp với các lực lượng chủ lực giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc; xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh… Đó là chặng đường gian khổ, hy sinh, nhưng cũng đầy tự hào, vinh quang của Đảng bộ tỉnh.
Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai
Ngược dòng thời gian, vào thời điểm tháng 3 năm 1947, khi Đảng bộ tỉnh được thành lập, toàn Đảng bộ mới có 31 đảng viên, trong đó: 16 đảng viên chính thức, 15 đảng viên dự bị; phần lớn các đồng chí đảng viên là cán bộ của Trung ương tăng cường lên Lào Cai để xây dựng cơ sở cách mạng. Ngay sau ngày thành lập, mặc dù số lượng đảng viên hết sức ít ỏi, nhưng Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn diện các hoạt động của tỉnh: Kiện toàn BCH Đảng bộ tỉnh; phát triển đảng viên; xây dựng Vệ quốc đoàn; thành lập các Ban luyện quân tại các đơn vị; xúc tiến việc tổ chức dân quân, du kích xã; xây dựng cơ sở cách mạng… đến xây dựng các đơn vị y tế, phát triển giáo dục, động viên nhân dân sản xuất… Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lần lượt cơ sở cách mạng ra đời, trong đó điểm nhấn là khu căn cứ cách mạng Cam Đường – Gia phú – Xuân Giao; ra đời chi bộ nông thôn đầu tiên vào tháng 10/1948 tại Cam Đường; thành lập Huyện ủy Bảo Thắng vào cuối năm 1948; thành lập Chi bộ Đảng thị trấn Sa Pa; hình thành bộ máy chính quyền lâm thời của tỉnh Lào Cai vào cuối năm 1948… Đến tháng 7/1950, Đảng bộ tỉnh đã có 284 đảng viên, thành lập được 14 chi bộ, trong đó có 4 chi bộ xã. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tiến hành chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng thị xã Lào Cai và các huyện trong tỉnh vào tháng 11/1950, Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên trong các tỉnh khu vực miền núi biên giới được hoàn toàn giải phóng - cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tỉnh Lào Cai. Giai đoạn từ 1951-1955, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo tiến hành 5 chiến dịch tiễu phỉ, phá tan âm mưu gây phỉ, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc của thực dân Pháp và các thế lực tay sai. Đồng thời đóng góp sức người, sức của cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấm dứt gần 100 đô hộ của thực dân Pháp đối với đất nước ta.
Từ 1951 đến 1960 vừa tiễu phỉ, vừa xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã xây dựng được 96 hợp tác xã, chiếm 13,2% số hộ nông dân trong tỉnh. Đến tháng 1/1961 số hợp tác xã lên tới 550, chiếm 72,95% số hộ toàn tỉnh; có 1.249 tổ đổi công với 10.530 hộ, đạt 93,46%. Tổ chức HĐND, ủy ban hành chính cấp xã. Phát triển tổ chức Công đoàn trong các cơ quan, xí nghiệp; xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên, hội Phụ nữ… Tăng cường công tác phát triển đảng, đến tháng 12/1960 Đảng bộ tỉnh đã có 1.963 đảng viên, chiếm 1,9% dân số. Thành lập được 46 chi bộ nông thôn, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã chưa có đảng viên. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã phủ kín các địa bàn hành chính trong tỉnh.
Từ 1961-1975, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đến cuối năm 1975 toàn tỉnh có 308 HTX sản xuất nông - lâm nghiệp, gồm 17.622 hộ, chiếm 65% tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Vận động định canh, định cư tại chỗ, sản xuất tập trung. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bước đầu phát triển. Ngoài các cơ sở công nghiệp do Trung ương quản lý như mỏ Apatit, nhà máy điện, xí nghiệp cơ khí… Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, sửa chữa ô tô, sản xuất gạch ngói, sản xuất tinh dầu pơ mu, sả, màng tang, sản xuất đậu phụ, nước chấm, chế biến đao giềng, sắn, gia công bánh bún… Đảng bộ đã có 353 cơ sở đảng, với 7.061 đảng viên.
Từ năm 1976 đến 1991, Lào Cai hợp nhất với các tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 01/10/1991, Lào Cai được tái lập lại sau khi Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trong giai đoạn này cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Lào Cai góp sức cùng nhân dân cả nước đánh thắng các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.
Ảnh: Minh họa
Sau hơn 26 năm tái lập, với nhiều cách làm sáng tạo, mạnh dạn, quyết đoán, bản lĩnh, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, đưa Lào Cai tiến một bước dài trong quá trình phát triển. Đến 2017 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.518 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Nông lâm thủy sản giảm còn 14,24%; công nghiệp – Xây dựng chiếm 43,2%; Dịch vụ chiếm 42,56%. Nông nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị trên 01 ha đất canh tác đạt 62,6 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực đạt 305.334 tấn. Toàn tỉnh đã có 1.229,7 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 09 cơ sở chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao; 333 trang trại. Công nghiệp phát triển mạnh, nhất là công nghiệp chế biến khoáng sản, luyện kim, thủy điện, chế biến nông, lâm sản... Dịch vụ phát triển, nhất là du lịch và kinh tế cửa khẩu. Sa pa đã được công nhận là khu du lịch quốc gia; Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai trở thành những nơi du lịch hấp dẫn; cửa khẩu Lào Cai trở thành cửa khẩu sôi động làm ăn với Trung Quốc trên tuyến biên giới Việt – Trung. Giao thông đi lại thuận tiện: tỉnh có đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nối với thủ đô Hà Nội; đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã, liên thôn phát triển kết nối đến tận các thôn bản vùng sâu, vùng xa; đã có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Lào Cai đạt chuẩn thành phố loại II thuộc tỉnh. Văn hóa xã hội phát triển, trình độ văn minh, hiện đại của người dân Lào Cai ngày càng nâng cao… Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, đến 2017 có 685 chi, đảng bộ cơ sở (398 Chi bộ, 287 Đảng bộ), 3.264 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với 43.707 đảng viên.
Diện mạo của Lào Cai từ thành phố tỉnh lỵ đến các xã, thôn đều đổi thay sâu sắc, căn bản, toàn diện. Những người ít có điều kiện đến Lào Cai thường xuyên, thì mỗi lần đến Lào Cai đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của mảnh đất này. Lào Cai từ một vùng đất hoang sơ, người dân sống trong cảnh tối tăm, nghèo đói, lạc hậu, ít người biết đến… trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi biên giới phía Bắc; một Lào Cai năng động, sáng tạo ngày càng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến, là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và du khách gần xa. Điều đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng bộ tỉnh trong 71 mùa Xuân qua.
Đỗ Văn Lược
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết