Đổi thay ở bản người Mông Xanh

07:57 13-02-2018 | :3912

Laocaitv.vn - Trong những ngày đầu Xuân năm mới này, chúng tôi có dịp trở lại thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, Đây là Bản người Mông Xanh duy nhất của cả nước. Trên khắp các sườn đồi là sắc đào đỏ thắm, hoa mận trắng rừng. Những ngôi nhà san sát bên nhau tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm. Cuộc sống của người Mông Xanh trên đỉnh núi Tu Thượng đang đổi thay từng ngày.

Đường vào Tử Thượng không còn gập ghềnh như trước nữa, con đường từ thôn xuống trung tâm xã đã to và rộng hơn, ô tô có thể vào tận đến bản. Dọc hai bên đường, từng tốp người đang nói cười vui vẻ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, cả gia đình anh Lý Á Đù đang tất bật chuẩn bị để xuống giống, anh Đù cho biết: "Đây là năm thứ hai nhà anh và mọi người trong thôn cấy lúa vụ Xuân, được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, nên vụ năm ngoái, lúa nhà nào cũng tốt, vụ đó cả xã được mùa to. Cấy hai vụ lúa, nên thóc trong nhà cũng nhiều hơn, có của ăn, của để dành, không còn phải lo cái đói nữa".

Bản của người dân tộc Mông Xanh thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn. Ảnh: Thu Hường

Đặt chân đến bản Tu Thượng, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của bản vùng cao này. Con đường bê tông sạch, đẹp trải dài đến tận từng hộ dân. Điểm Trường mầm non và tiểu học nằm ở vị trí đẹp nhất thôn, được đầu tư khang trang và đồng bộ. Cả bản có 65 hộ dân, nhưng nhà nào cũng đã được dùng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sạch từ vài năm nay. Cảm nhận rõ nét nhất sự đổi thay của Tu Thượng chính là những bậc cao niên trong thôn. Ông Giàng A Khoa, năm nay tuy đã ngoài 80, nhưng sức khỏe và trí nhớ vẫn còn minh mẫn phấn khởi cho biết: “Xuân này bà con trong thôn vui lắm. Trước kia, người Mông chỉ lên núi làm nương rẫy, cuộc sống rất khổ cực. Năm nào bà con trong bản cũng thiếu ăn vài tháng. Kể từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, cuộc sống của bà con Tu Thượng đã khác trước nhiều lắm, lúa đã cấy được 2 vụ, nhà nào cũng chăn nuôi gia súc, lợn, gà… nhà ít, nhà nhiều, nhưng nhà nào cũng không còn lo đói, lo khổ nữa. Trẻ con được học cái chữ, được học tiếng phổ thông, không còn phải vất vả theo bố, mẹ lên nương, lên rẫy”.

Trước đây, nếu nhắc đến Bản Mông Xanh – Tu Thượng, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ đến mảnh đất của hủ tục hôn nhân cận huyết, tảo hôn, không kết hôn với người ngoài, gần như cô lập với thế giới bên ngoài, mà hậu quả để lại là những hệ lụy kéo dài dai dẳng về sức khỏe, cũng như trí tuệ của những thế hệ tiếp sau. Đến nay, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, tuyên truyền, vận động, người Mông Xanh đã cải tạo hủ tục hôn nhân kiểu cũ. Bà con đã cởi mở hơn, đã giao lưu với người dân tộc khác, cưới người ở vùng khác. Ông Vàng A Tớ - Chủ tịch UBND xã Nậm Xé chia sẻ: “Chính sự thay đổi trong nếp nghĩ mới là sự thay đổi to lớn và chủ yếu nhất giúp cuộc sống của người dân ở Tu Thượng đổi thay từng ngày. Không chỉ xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mà người dân đã biết bắt đầu tính toán làm ăn, phát triển kinh tế. Nếu như năm 2011, 100% thôn Tu Thượng là hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo chỉ còn lại 50%, thôn cũng không còn hộ nào thiếu đói. Cả Thôn Tu Thượng giờ đã biết làm lúa 2 vụ, nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên năng suất cây lúa, cây ngô đã tăng lên rất nhiều so với những năm trước”.

Chia tay với bản Mông Tu Thượng, sau lưng chúng tôi vẫn vang vọng tiếng cười giòn tan của những em bé, những câu hát giao duyên của các cặp đôi bên dòng suối Nậm Tu chảy róc rách. Trong tiết trời vẫn còn se se lạnh của những ngày đầu xuân, niềm  vui, hạnh phúc như đang lan tỏa khắp bản làng như xua đi cái giá lạnh vẫn còn vương vấn. Tu Thượng vào xuân Mậu Tuất với niềm vui và  sự kỳ vọng dâng tràn.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết