Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia Thu hẹp dự án vào vòng chung kết: Học sinh và phụ huynh hoang mang

07:47 13-11-2019 | :1731

Laocaitv.vn - Năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thu hẹp số lượng dự án vào vòng chung kết khiến nhiều học sinh thất vọng và phụ huynh hoang mang lo lắng.

cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức với mục tiêu khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế, đồng thời đổi mới phương pháp dạy và học ở bậc phổ thông. Qua 7 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút được đông đảo hoc sinh phổ thông tham gia. Tuy nhiên, năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thu hẹp số lượng dự án vào vòng chung kết khiến nhiều học sinh thất vọng và phụ huynh thì hoang mang, lo lắng.

Học sinh hoang mang trước việc Bộ GD-ĐT thu hẹp số lượng dự án vào vòng chung kết.  Ảnh minh họa

Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông là các cuộc thi trưng bày và trao giải cho các phát minh, giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ có ích cho đời sống của các học sinh, nhóm học sinh. Các dự án dự thi ở 22 lĩnh vực khoa học như: Khoa học động vật, Hóa Sinh, Sinh học trên máy tính và Sinh –Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường...

Kể từ khi tổ chức trên phạm vi toàn quốc, cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh tham gia ngày càng tăng qua từng năm.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, cuộc thi đã thu hút trên 10.000 dự án tham gia ở cấp cơ sở và cấp quốc gia có gần 500 dự án của gần 900 học sinh của 63 tỉnh, thành phố. Qua 7 năm tổ chức, cuộc thi này được nhiều giáo viên, học sinh và chuyên gia đánh giá đã góp phần khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường phổ thông...

Cô Lê Thị Hòa, giáo viên dạy môn Hóa học, trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy cho biết: "Đối với học sinh trung học, đặc biệt là trung học phổ thông, nếu như các con tham gia vào cuộc thi Khoa học kỹ thuật thì các con sẽ khơi gợi đươc niềm đam mê khoa học, thậm chí các con sẽ sử dụng kiến thức được nhiều môn để giải quyết những vấn đề mà các con đang nghiên cứu. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho những bạn có thiên hướng là đi theo ngành nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản".

Em Lê Nguyễn Duy Linh, học sinh lớp 11A, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nam) cho hay: "Đi tham gia thi Khoa học kỹ thuật giúp cho chúng em nâng cao kiến thức, trình độ hiểu biết hơn và cũng được và tăng thêm kiến thức. Đối với các bạn không chỉ nghiên cứu lý thuyết, mà ngoài ra chúng em còn được thực hành, không chỉ giúp cho tầm hiểu biết rộng hơn mà tăng thêm khả năng giao tiếp và kiến thức tốt hơn".

Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018-2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định: "Mục tiêu của cuộc thi là giúp cho học sinh khuyến khích các em nghiên cứu khoa học và hướng tới việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học đó vào trong thực tiễn và đây cũng chính là việc chuyển một nền giáo dục từ việc truyền thụ kiến thức sang hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực các em. Góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường, đổi mới cách đánh giá, đổi mới cách dạy cách học và đây cũng là một chủ trương lớn theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Có thể nói cuộc thi đã thực sự đi đúng vào những điểm cần trong các nhà trường".

Không chỉ tác động tích cực đến hoạt động dạy và học trong các trường phổ thông mà cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông còn góp phần tạo lập được mối liên hệ, đưa các nhà khoa học cùng các phòng thí nghiệm của các trường đại học, các viện nghiên cứu về gần với trường phổ thông. Thế nhưng, năm học 2019-2020 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu hẹp số lượng các dự án được vào vòng thi chung kết so với các năm trước đây.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, mỗi đơn vị dự thi (là Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ Giáo dục- Đào tạo, đại học, trường đại học) chỉ được cử 2 dự án dự thi, riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được cử không quá 4 dự án dự thi, trong khi năm ngoái các đơn vị được cử từ 6 đến 33 dự án vào vòng thi chung kết. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hẹp số lượng các dự án vào vòng thi chung kết khiến nhiều phụ huynh, học sinh thất vọng và lo lắng vì các em đã nghiên cứu, làm dự án tham gia kỳ thi này từ năm học trước.

Một phụ huynh có con học tại trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay nhà trường phát động từ tháng 8, các cháu phấn khởi, nộp hồ sơ theo hướng dẫn của nhà trường, nhưng chỉ khoảng 1 tháng sau lại có thông báo tiếp theo làm cho phụ huynh và học sinh khá hoang mang. Tôi cũng biết việc thu hẹp các đội nhằm nâng cao chất lượng của các dự án nhưng mà việc thông báo này quá muộn, làm cho sự chuẩn bị của học sinh và phụ huynh trong cả thời gian dài từ đầu năm khoảng tháng 1-2 có nhiều dự án có thể bắt đầu từ năm ngoái, đến thời điểm này là gần như các dự án đã xong hết rồi thì cũng khá bất ngờ, các cháu gần như suy sụp luôn".

Thạc sỹ Khổng Minh, giảng viên Khoa Cơ khí- Cơ điện tử, Trường Đại học Phenikaa đã tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài tham gia cuộc thi cho biết, mục tiêu mà nhiều dự án hướng đến đó là được tham gia vòng chung kết cấp quốc gia. Việc giảm số lượng dự án dự thi vòng chung kết ngay trong năm học này sẽ khiến các em hụt hẫng: "Tôi lấy làm tiếc về việc đấy mình nghĩ rằng càng có nhiều dự án càng có nhiều sân chơi, càng có nhiều cơ hội cho học sinh. Thực ra cũng có thể vì lý do này, lý do khác người ta muốn chọn ra những dự án có chất lượng hơn nhưng mình nghĩ là cứ mở rộng hơn vì là nó cũng là một cách để người học người ta có sự đam mê và sự chủ động. Mình nghĩ là không nên thu hẹp các dự án được lựa chọn để thi cấp quốc gia".

Một số ý kiến cũng cho rằng, viêc nâng cao chất lượng các dự án vào vòng chung kết cấp quốc gia là hợp lý, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên siết chặt khâu chấm thi theo hướng minh bạch, công bằng, đánh giá đúng chất lượng của các dự án chứ không nên thu hẹp số lượng dự án vào vòng chung kết như đã thông báo trong năm học này./.

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết