Laocaitv.vn - Với cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT hiện đại, đồng bộ với 2.267 trạm thu phát sóng thông tin di động, Lào Cai đã phủ sóng 100% trung tâm các xã và trên 90% số thôn toàn tỉnh, 100% số xã có kết nối cáp quang. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh ở Lào Cai. Bên cạnh những mặt tích cực thì TMĐT cũng là nơi dễ bị lợi dụng để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi tham gia các hoạt động giao dịch điện tử để tránh những tổn hại, rủi ro không đáng có.
Với đặc thù của các giao dịch TMĐT là người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, người mua cũng không tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như sản phẩm được giới thiệu về cả mẫu mã và chất lượng. Trong khi đó, những món hàng mua qua mạng thường là hàng tiêu dùng, có giá trị nhỏ nên người mua cũng ngại khiếu nại để đòi quyền lợi cho mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng chức năng khó khăn trong công tác quản lý.
Ông Nguyễn Bá Bình, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai cho biết: “Cục QLTT Lào Cai đã xử lý được nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ qua mạng internet còn rất hạn chế. Vừa qua chúng tôi mới xử lý được một vụ bán hàng kém chất lượng qua mạng xã hội Facebook”.
Mua hàng qua mạng có nhiều tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. (Ảnh minh họa)
Thực trạng buôn bán hàng kém chất lượng qua mạng internet đã tác động không nhỏ đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm giảm lợi nhuận, uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân gian lận hiện nay cũng không hề đơn giản. Bởi vậy, người tiêu dùng cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi tham gia hoạt động giao dịch thương mại qua mạng.
Ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết: “Ngành TT&TT khuyến cáo người dân khi tham gia giao dịch điện tử nên chọn những sàn giao dịch điện tử có đầy đủ thông tin về giấy phép hoạt động, có thương hiệu, có uy tín. Không may có rủi ro xảy ra, khi nhận được hàng không đảm bảo chất lượng thì người dân hãy lưu lại thông tin của lô hàng, sản phẩm đó để gửi cho cơ quan chức năng truy xuất, quy trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.
Với lợi thế nhanh, nhạy, không hạn chế về không gian, thời gian, TMĐT không chỉ phát triển xuyên biên giới, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của các địa phương trong cả nước mà còn giúp các doanh nghiệp nối dài đến khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do khả năng tiếp cận với công nghệ số của nhân dân ở nông thôn, miền núi còn những hạn chế nhất định, nên rất dễ chịu rủi ro khi tham gia giao dịch điện tử. Ông Nguyễn Bá Bình cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ đề nghị Tổng cục QLTT tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng QLTT về kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc bán hàng qua mạng. Trong đó, tập trung vào các nhóm mặt hàng hay giao dịch trên mạng. Tích cực phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, giúp nhân dân lựa chọn được những sàn giao dịch uy tín, chất lượng”.
Đặc thù của giao dịch điện tử là người bán và người mua không trực tiếp gặp nhau, bởi vậy, cùng với tăng cường công tác quản lý của nhà nước thì sự thận trọng của người tiêu dùng khi sử dụng phương thức TMĐT là hết sức quan trọng.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết