“Bà đỡ” giúp nông dân vượt khó, làm giàu

21:08 25-06-2020 | :372

Laocaitv.vn - Là kênh vốn tín dụng quan trọng, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Bảo Thắng đã thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn. Giúp người nông dân có điều kiện xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Phương trao đổi kinh nghiệm nuôi gà ri lai (Ảnh: Phạm Dương)

Cách đây 5 năm, dự án Chăn nuôi gà đồi xã Phú Nhuận được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Dự án có 11 hộ tham gia, mỗi hộ được vay bình quân từ 70 - 80 triệu đồng, tổng vốn vay cho 3 chu kỳ vừa tròn 6 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn này đã giúp các thành viên tham gia dự án mở rộng được quy mô sản xuất, tăng thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững và hướng đến mục tiêu làm giàu chính đáng. Là một trong những thành viên của dự án, năm 2017, gia đình ông Trần Văn Phương, thôn Phú Thịnh 1 được vay 70 triệu đồng, toàn bộ nguồn vốn này được ông dùng để mua thêm giống gà ri lai về chăn thả. Bình quân mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường từ 11 - 12 nghìn con gà thịt, trừ mọi chi phí, cho thu nhập bình quân từ 160 - 180 triệu đồng. Trở thành hộ có thu nhập trung bình khá của thôn Phú Thịnh 1, ông Phương khẳng định: “Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp gia đình tôi rất nhiều trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi. Tôi đầu tư nuôi giống gà ri lai, cứ 1 nghìn con gà vào thời điểm này thì cần khoảng 70 đến 80 triệu đồng để đầu tư, vừa chăm sóc, vừa mua cám, mua thuốc men…”.

Cũng tham gia dự án này, anh Vũ Hữu Ngọc, hội viên nông dân thôn Phú Thịnh 1 được vay 80 triệu đồng để thực hiện giấc mơ làm giàu bằng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng. Số tiền đến tay đúng lúc đã tiếp sức, giúp anh có thêm vốn liếng để đầu tư trồng rừng, mua thêm gà, lợn về nuôi. Hiện tại, sở hữu trong tay rừng quế rộng 8 ha, cộng thêm mô hình chăn nuôi gà thịt, mỗi lứa 4 nghìn con được thả dưới tán đồi quế và khu chuồng trại chăn nuôi hàng chục con lợn thịt. Từ một hộ nông dân có mức sống trung bình, gia đình anh Ngọc đã vươn lên, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Phú Nhuận. Anh Ngọc cho biết: “Lúc tôi khó khăn nhất thì lại được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vốn để đầu tư. Tôi từng thua lỗ khi nuôi lợn, nên khi có vốn tôi đầu tư nuôi gà. Đến cuối năm ngoái tôi cũng đã kéo được 2 đàn, gỡ được tương đối vốn liếng”.

Anh Ngọc chăm sóc rừng quế. (Ảnh: An Hồng)

Hội Nông dân huyện Bảo Thắng hiện đang có gần 16.400 hội viên, sinh hoạt tại 208 chi hội cấp cơ sở. Những năm qua, xác định nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân là một trong những kênh vốn tín dụng quan trọng, tổ chức hội các cấp đã giúp hàng trăm lượt hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập và hướng tới mục tiêu làm giàu. Ở thời điểm hiện tại, Hội Nông dân huyện đang quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân là trên 8 tỷ đồng, đã giải ngân cho 139 hộ dân tham gia 11 dự án phát triển sản xuất và kinh doanh trên địa bàn. Để nguồn vốn hỗ trợ triển khai hiệu quả, hội đã thực hiện hỗ trợ theo phương án sản xuất - kinh doanh. Mỗi chu kỳ cho vay từ 2 - 3 năm/1 mô hình dự án và ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất, đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng hiệu quả. Ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng cho biết: “Hình thức vay vốn thì Hội Nông dân huyện thực hiện quy trình 3 bước. Thứ nhất là rà soát, lập danh sách các hộ có nhu cầu, khảo sát, đánh giá về thực trạng của các hộ đó. Thứ hai là kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đặc biệt là kiểm tra sau 30 ngày khi rải ngân nguồn vốn. Thứ ba là đôn đốc thu hồi nguồn vay hỗ trợ nông dân sau 3 năm thực hiện. Tất cả những hộ được vay vốn đều là hộ nghèo, cận nghèo, sau khi vay vốn thì họ đã trở nên khá, giàu”.

Qua đánh giá cho thấy, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và các tổ, nhóm sinh kế đồng sở thích; giúp nông dân thay đổi cách làm từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm; thành thục hơn trong việc áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất; tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản đảm bảo tính cạnh tranh để tiếp cận thị trường, từ đó tạo sự chuyển biến đời sống kinh tế - xã hội cả một vùng.

Tiếp tục triển khai và quản lý tốt nguồn vốn này, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Bảo Thắng dự kiến sẽ hỗ trợ triển khai một số mô hình dự án hợp tác liên kết sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mới, như trồng dâu nuôi tằm; tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện phát triển chăn nuôi gia súc, đại gia súc và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa tại địa phương./.

                                                  An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết