Bát Xát 30 năm xây dựng vùng đất biên cương

08:10 18-09-2021 | :784

Laocaitv.vn - Huyện Bát Xát là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, với 25 dân tộc anh em cùng chung sống. Sau 30 năm tái lập tỉnh, địa phương đã có những cách giảm nghèo ấn tượng, đang vươn lên là điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng vùng cao biên giới bình yên, phát triển bền vững.

Chị Tẩn Tả Mẩy chăm sóc vườn lê.

Thời điểm tái lập tỉnh, sản lượng lương thực của Bát Xát mới đạt hơn 13.600 tấn. Nạn đói, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy khiến cho địa phương nghèo càng trở nên khó khăn gấp bội. Đảng bộ, chính quyền huyện Bát Xát đã tập trung lãnh đạo Nhân dân vùng thấp chuyển nhanh sang sản xuất lương thực, chăn nuôi hàng hóa và xuất khẩu. Khu vực vùng cao, tập trung cho phát triển cây lương thực, tăng vụ và mở rộng diện tích cây lúa nước. Sau 30 năm, sản lượng lương thực của địa phương đã đạt khoảng 48.000 tấn. Nhiều cây trồng mới, kỹ thuật tiên tiến được áp dụng, giúp nông dân có thu nhập tốt. Chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Kim Chu Phìn 1, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát chia sẻ: "Ngày trước không có nhưng bây giờ nhà nào cũng có, ít nhất phải 200 cây lê. Phải bón phân, cắt cành cho cây lê đúng thời điểm. Lúc cây có hoa thì tuyệt đối không được tưới nước vì nó sẽ rụng hết hoa".

Thời điểm tái lập tỉnh, địa phương có đến hơn 60% dân số mù chữ. Những lớp học xoá mù ở nhiều thôn bản được duy trì, giúp phụ nữ nông thôn tiếp cận với khoa học kỹ thuật để làm chủ cuộc sống mới. Giờ đây, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng đã xem việc học tập của con em mình là mang lại kiến thức, văn minh, là chìa khóa mở tương lai tươi sáng phía trước. Em Hoàng Hải Nam, lớp 5A Trường Tiểu học Mường Vi, huyện Bát Xát chia sẻ: "Em và các bạn luôn mong muốn năm học này sẽ đạt được nhiều kết quả tốt. Em tự hứa sẽ chấp hành đúng nội quy của trường của lớp".

Những ngôi nhà đất trình tường của người dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát được nhiều khách du lịch tới tham quan, khám phá.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: "Chúng tôi rèn kỹ năng sống cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn với phân luồng tuyển sinh. Tuyên truyền, vận động học sinh học tiếp THPT, tham gia học nghề, gắn với phát triển kinh tế của địa phương".

Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi người dân ở Bát Xát đã đạt hơn 42 triệu đồng/năm. 5 năm trở lại đây, tỷ lệ giảm nghèo đạt đến 6,5%. Những kết quả ấy đã củng cố thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đồng chí Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết: "Bát Xát có 3 ngành trọng tâm. Thứ nhất là phát triển về nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập đời sống Nhân dân. 2 là phát triển về du lịch. 3 là địa bàn có nhiều khoáng sản, nên lĩnh vực công nghiệp cũng là mũi nhọn phát triển trong thời gian tới".

Bát Xát - nơi ngọn sông đầu núi với nhiều kỳ tích mới đang được xác lập. Đỉnh Ky Quan San, Lảo Thẩn, bản sắc dân tộc Hà Nhì hay các làng nghề truyền thống là những điểm đến hấp dẫn khi mà ngành Kinh tế du lịch – một ngành kinh tế mới của Bát Xát đang phát triển. Địa phương đặt mục tiêu đón 1,2 triệu lượt khách vào năm 2025, đưa vùng cao biên giới Bát Xát thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Lào Cai.

 Ngọc Hà – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết