Cần những giải pháp căn cơ để giảm nghèo ở những xã nghèo huyện Mường Khương

14:06 31-05-2021 | :348

Laocaitv.vn - Huyện Mường Khương có đến 7 xã, chiếm một nửa số xã của huyện có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 60 - 70%. Mục tiêu giảm nghèo bình quân khoảng 10% mỗi năm muốn thực hiện được cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Huyện Mường Khương có diện tích chè lớn nhất tỉnh, lên đến hơn 3.000 ha. Diện tích chè ở các xã khu vực hạ huyện chủ yếu là chè lai thì khu vực các xã vùng cao, nơi có điều kiện khí hậu thích hợp, nông dân được tư vấn, hướng dẫn canh tác các giống chè chất lượng cao. Tại thời điểm này, các loại chè như Kim Tuyên, Bát Tiên đang được mua búp lên đến 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với chè Shan hoặc chè lai được trồng ở vùng thấp. Anh Giàng Sèo ở thôn Pa Cheo Pìn B, xã Cao Sơn cho biết, gia đình anh đã thay thế nhiều diện tích trồng ngô sang trồng chè chất lượng cao, từ đó đã giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập.

Nhiều hộ ở Mường Khương đã chuyển từ trồng ngô sang trồng chè, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho gia đình.

Các xã nghèo của huyện Mường Khương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng tự thỏa mãn, tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không có ý thức vươn lên thoát nghèo. Trên thực tế, các xã này có quỹ đất rất lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Theo ông Thào Páo Dình, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng thì để thoát nghèo, các hộ cần tập trung trồng quế và sả. Bởi tới đây, ngay tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà – địa phương giáp với xã Tả Thàng sẽ có nhà máy chế biến tinh dầu sả và chế biến quế. Hiện, xã đã có 140 ha quế và nhiều hộ cũng đã trồng sả.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kiểm tra điểm xây dựng nhà máy tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà.

Khảo sát thực tế của tỉnh và các sở ngành trong thời gian vừa qua cho thấy, các xã nghèo của huyện Mường Khương có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động là rất lớn. Khi mỗi gia đình chỉ cần có một lao động là công nhân trong các nhà máy tại địa phương thì đã giải quyết rất lớn về nguồn lao động cho các doanh nghiệp cũng như nâng cao thu nhập cho mỗi hộ gia đình, chuyển từ nông nghiệp thuần túy sang phi nông nghiệp.

Riêng trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đào tạo nghề chế biến thực phẩm cho Công ty thực phẩm Á Châu và Công ty may mặc xuất khẩu Babini chuẩn bị lắp ráp nhà máy may xuất khẩu với 1.200 lao động. Khi thực hiện lao động theo dây chuyền thì cơ hội cho lao động nông thôn có việc làm tại các nhà máy của tỉnh là rất lớn, tạo cơ hội giảm nghèo bền vững cho các hộ dân.

Bài, ảnh: Ngọc Hà - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết