Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học - giải pháp để có đàn lợn sạch bệnh

08:41 13-04-2020 | :1644

Laocaitv.vn - Thời điểm này, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn, nuôi lợn trở lại. Tuy nhiên, giá lợn hơi quá cao cũng đang hạn chế khả năng phục hồi sản xuất của nông dân. Qua đợt chống bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 cho thấy, những hộ chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng các điều kiện thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học thì đàn lợn vẫn phát triển ổn định. Đây là giải pháp cần được các hộ chăn nuôi đẩy mạnh trong thời gian tới.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 15% số hộ chăn nuôi bị dịch đã tái đàn chăn nuôi lợn trở lại.

Trong khi nhiều hộ dân thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng có lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi thì gần 400 đầu lợn của gia đình anh Trần Như Tôn vẫn phát triển ổn định. Chăn nuôi ở quy mô lớn, anh Tôn thực hiện nhập lợn giống từ các công ty có uy tín trong nước. Cách làm này nhằm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan. Đây cũng là điều kiện để anh tính đến việc xây dựng một trại nuôi lợn nữa với quy mô lớn hơn. Anh Trần Như Tôn, thôn Cốc Sâm 5, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Bây giờ tôi đang mở rộng quỹ đất, xây thêm trang trại, nếu không có gì thay đổi thì tháng 6 này sẽ đi vào hoạt động với quy mô 400 - 500 con lợn. Tôi cũng vẫn trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, vì làm mô hình này có hiệu quả và tạo việc làm cho cả gia đình".

Ở quy mô lớn hơn, đến cả nghìn đầu lợn, Công ty TNHH Anh Nguyên, huyện Bắc Hà lại thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào trại lợn, toàn bộ đều được khử trùng bắt buộc. Trang trại chỉ có một bể biogas dành cho việc thu gom nước thải. Toàn bộ chất thải chăn nuôi đều được xử lý bằng chế phẩm sinh học cộng với chất độn chuồng, hạn chế tối đa mùi hôi thoát ra môi trường. Việc kiểm soát tốt nguồn thức ăn cũng như con người ra vào trong trại lợn chính là yếu tố quan trọng nhất để không bị dịch bệnh tấn công đàn vật nuôi. Chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ kỹ thuật trại lợn Công ty TNHH Anh Nguyên, huyện Bắc Hà cho biết: "Trong quá trình nuôi chúng tôi sẽ khử trùng chuồng trại, xe vận chuyển thức ăn vào. Trong quá trình nuôi thì chúng tôi có quy trình phòng bệnh cho từng giai đoạn của lợn".

Kiểm soát chặt chẽ người ra vào trại lợn - yếu tố quan trọng để không bị dịch bệnh ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Theo rà soát của các địa phương, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 15% số hộ chăn nuôi bị dịch đã tái đàn chăn nuôi lợn trở lại. Các xã vùng thấp của huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn... tỷ lệ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt khoảng 25%; các xã vùng cao tỷ lệ tái đàn thấp chỉ khoảng 5% số hộ chăn nuôi. Do tâm lý người dân sợ tái phát dịch trở lại và giá con giống hiện nay rất cao nên các hộ tái đàn chỉ đạt khoảng 20 - 30% công suất thực tế. Vấn đề cần quan tâm, đó là việc tái đàn cần đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến chăn nuôi. Bác sỹ thú y Nguyễn Đình Tâm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai cho biết: "Nông dân nên chú trọng đến chuồng trại chăn nuôi, con giống, kiểm dịch con giống và quản lý đàn lợn khi nhập đàn. Phải lấy mẫu xét nghiệm đối với cơ sở cung cấp giống đó. Lấy theo từng lô khoảng 5-10% tổng đàn nuôi, có như vậy mới đảm bảo yên tâm tái đàn".

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, tất cả các hộ chăn nuôi quy mô trang trại đều không bị lây lan dịch này. Vì thế, khi tái đàn, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp trong công tác phòng chống dịch, đó là áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, con giống có nguồn gốc rõ ràng, thực hành chăn nuôi tốt, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định.

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết