Cốc Mỳ phát huy lợi thế, tăng thu nhập cho nhân dân

10:12 17-04-2019 | :780

Laocaitv.vn - Những năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát đã tận dụng những lợi thế về tự nhiên, địa hình để chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, nhằm tăng thu nhập, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản của xã Cốc Mỳ đạt 88 tấn

Hiện, diện tích mặt nước nuôi thủy sản trên địa bàn xã Cốc Mỳ là 19,8 ha, năm 2018, tổng sản lượng thủy sản của xã đạt 88 tấn. Để nghề phát triển nuôi thủy sản phát triển một cách bền vững, bên cạnh việc tạo điều kiện về con giống, nguồn vốn, xã Cốc Mỳ còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cho người dân về mặt kỹ thuật canh tác.

Gia đình anh Đặng Văn Luyện, thôn Bầu Bàng là một trong những hộ có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất xã, tận dụng số diện tích trồng lúa kém hiệu quả, anh Luyện đã đào 4 ao nuôi các giống cá như trắm, trôi, mè, chép… đồng thời trồng sắn, cỏ voi làm nguồn thức ăn cho cá. Với gần 1 ha mặt nước, bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 6 - 8 tấn cá thương phẩm các loại, thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của xã, nhiều nông dân như anh Luyện đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản nhằm trang bị các kiến thức về vệ sinh ao hồ, phòng chống dịch bệnh, chọn giống... nhờ đó, góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập. Anh Đặng Văn Luyện, Thôn Bầu Bàng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cho biết: "Gia đình nhà tôi có 7000 m2 mặt nước, nuôi cá thương phẩm sạch, chỉ cho ăn cỏ, giá cả xuất bán ổn định, thu nhập từ ao hàng năm cũng được 50 đến 60 triệu/năm. Gia đình tôi nuôi cá sạch nên khi bán rất được giá và cứ xuất đến đâu thương lái mua hết đến đó".

Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định từ nuôi thủy sản

Mặc dù nuôi thủy sản đã góp phần cải thiện đời sống cho một số hộ gia đình trên địa bàn xã, tuy nhiên thực tế cho thấy, giá trị sản xuất của nuôi thủy sản còn khiêm tốn, doanh thu từ nuôi thủy sản còn thấp. Một số hộ dân chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên giá cả không ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát  “Để thủy sản thực sự là thế mạnh ở địa phương, thời gian tới xã sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ duy trì và phát triển diện tích nuôi thủy sản. Ngoài việc chú trọng phát triển theo phương thức truyền thống, xã sẽ vận động các hộ gia đình đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản xuất, cùng với đó xã tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực nuôi, quy hoạch lại đồng ruộng đảm bảo phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để bà con yên tâm đầu tư, phát triển những giống có giá trị kinh tế cao”.

Với sự chỉ đạo và quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, hy vọng thời gian tới, ngành kinh tế thủy sản ở Cốc Mỳ sẽ phát triển bền vững, giúp người dân tăng thu nhập cải thiện đời sống; thuận lợi cho quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 Quang Phấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết