Giải bài toán xử lý chất thải rắn tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng

16:52 09-03-2024 | :307

Laocaitv.vn - Theo thống kê, mỗi ngày Khu công nghiệp Tằng Lỏng thải ra gần 8.000 tấn chất thải rắn. Sau nhiều năm hoạt động, một số bãi chứa chất thải ở đây đang trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Hoạt động hơn chục năm nay, bãi chứa chất thải GYPS của nhà máy DAP số 2 hiện đang ở mức "báo động đỏ" vì quá tải. Trước đó, bãi thải này cũng đã từng xảy ra sự cố vỡ bờ đập, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống người dân trong khu vực. Dự án tái chế chất thải đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai trong năm nay được kỳ vọng sẽ giúp nhà máy giải quyết được bài toán về chất thải rắn.

Bãi chứa chất thải GYPS của nhà máy DAP số 2 hiện đang ở mức "báo động đỏ" vì quá tải.

Ông Vũ Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem nói: “Hội đồng của Bộ Tài nguyên Môi trường đã thông qua, chúng tôi quyết định phê duyệt; sau đó, chúng tôi triển khai vừa công ty làm, vừa liên kết đối tác có năng lực khác để tái chế GYPS, từ đó yên tâm sản xuất”.   

Còn đây là Dự án nhà máy nghiền xỉ phốt pho xỉ lò cao của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Lao Kay có công suất 1.000.000 tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, với diện tích hơn 7 ha dự kiến sẽ đi vào vận hành trong quý 2 năm nay. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ xử lý toàn bộ chất thải rắn của các nhà máy khu công nghiệp Tằng Lỏong. Xỉ thải sẽ được nghiền, xử lý axit, phối trộn để biến thành phụ gia bán cho các nhà máy sản xuất xi-măng. Vừa không phải mất chi phí xử lý, vừa có thêm nguồn thu từ việc bán xỉ thải cho nhà máy này, đây là “lợi ích kép” mà nhiều doanh nghiệp thấy rõ.

Đây là dự án nhà máy nghiền xỉ phốt pho xỉ lò cao của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Lao Kay có công suất 1.000.000 tấn/ năm.

Ông Ngô Văn Cao, Đại diện Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Lao Kay cho biết: “Nhà máy đảm bảo tiêu thụ hết được các sản phẩm đầu ra chất thải ở các nhà máy tại khu công nghiêp này; đưa ra sản phẩm phụ gia cho các nhà máy xi-măng cho địa bàn này và các địa bàn lân cận”.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “Có nhà máy để xử lý chất thải về bộ tiêu chuẩn, sau đó về đầu vào của các ngành khác như làm lớp móng của giao thông hay vật liệu san lấp các công trình, hoặc nghiền để làm phụ gia cho xi-măng, thạch cao. Xử lý chất thải có nhiều ý nghĩa trong vấn đề về môi trường, kinh tế và xã hội”.

Mỗi năm, hàng nghìn cây xanh được trồng mới sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường.

Cùng với giải quyết bài toán chất thải rắn, tỉnh Lào Cai cũng đang nỗ lực xử lý triệt để vấn đề khí thải và nước thải tại khu công nghiệp thông qua hệ thống quan trắc môi trường và các nhà máy xử lý nước thải. Đặc biệt, những vi phạm về môi trường sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, mỗi năm, hàng nghìn cây xanh được trồng mới sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường nơi đây. 

Trung Kiên - Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết