Giữ gìn “Giọt say San Lùng”

13:29 23-10-2019 | :2400

Laocaitv.vn - Từ lâu, sản phẩm rượu San Lùng của người Dao ở thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát đã nức tiếng gần xa. Sự nức tiếng ấy được tạo nên bởi quy trình ủ thóc với men lá, chất nước và quy trình nấu độc đáo. Vì thế rượu San Lùng được nấu ra có hương vị riêng không thể trộn lẫn với bất kỳ một loại rượu nào khác và ngày càng được thị trường ưa chuộng. Cũng từ nghề truyền thống này mà cuộc sống của người dân thêm no ấm.

Để tạo ra được những giọt rượu đặc trưng mang thương hiệu San Lùng là cả một quá trình chuẩn bị công phu của những người nấu rượu truyền thống ở thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát. Bà Lò Mùi Diện, người có hàng chục năm kinh nghiệm nấu rượu truyền thống ở thôn San Lùng cho biết, lúa trồng trên nương sau khi thu hoạch về được luộc chín, để nguội, giã men lá rồi trộn theo liều lượng; sau đó đem ủ khoảng 20 đến 30 ngày hoặc lâu hơn, bởi thời gian ủ càng dài thì rượu càng thơm và đậm; rồi đem ra chưng cất rượu.

Quá trình làm men lá khá công phu với 15 loại lá rừng khác nhau. (Ảnh: Mai Huệ)

Việc chưng cất rượu San Lùng được thực hiện bằng chõ theo phương pháp “thủy thượng”. Mỗi mẻ 50 kg thóc, cho ra 20 lít rượu trong vắt, nặng từ 45 đến 50 độ, hoặc hơn; rượu có mùi thơm, vị đậm. Một trong những bí quyết tạo nên “nét riêng” và làm nên thương hiệu cho rượu San Lùng, xã Bản Xèo chính là chất nước và men lá – loại men được tạo nên từ 15 loại lá cây rừng. Chính vì vậy, rượu nấu ra đến đâu hết đến đấy. Trung bình mỗi tháng gia đình bà Diện sản xuất khoảng 200 lít rượu, với giá bán 28.000 đồng 1 lít, đã giúp cuộc sống của gia đình bà tốt hơn trước rất nhiều.

Thứ men lá bí truyền này càng ủ lâu thì rượu nấu ra sẽ càng thơm ngon. (Ảnh: Mai Huệ)

Cả thôn San Lùng, xã Bản Xèo có hơn 40 nóc nhà thì có đến hơn 30 nhà tham gia sản xuất rượu bằng men lá truyền thống. Mọi người đều có ý thức giữ gìn nét độc đáo tạo nên thương hiệu cho sản phẩm rượu địa phương. Ông Lò Xá Lù, thôn San Lùng, xã Bản Xèo cho biết, từ đời cha, cho đến đời ông bây giờ đều nấu rượu bằng men lá. Những lá cây quý để làm men được ông lấy về trồng quanh nhà, còn những lá cây thông dụng thì vào rừng kiếm, khi cần để tạo men là có ngay. 

Rượu San Lùng được chưng cất theo phương pháp “thủy thượng”. (Ảnh: Mai Huệ)

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống ở địa phương, giúp bà con cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, Tổ hợp tác sản xuất rượu San Lùng đã ra đời. Các thành viên tham gia Tổ hợp tác cam kết thực hiện sản xuất rượu theo đúng quy trình truyền thống và được Tổ hợp tác kết nối, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm do bà con làm ra được Công ty sản xuất rượu San Lùng, ở khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, Lào Cai thu mua. Tại công ty, sản phẩm rượu được tinh lọc và đóng chai, dán nhãn mác trước khi đưa ra thị trường.

Năm 2003, sản phẩm rượu San Lùng đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và  đoạt giải thưởng Sao Vàng miền núi phía Bắc 2008 và trở thành thương hiệu ngày càng có uy tín trên thị trường. Anh Lò Văn Nhị, Tổ trưởng tổ sản xuất rượu San Lùng, xã Bản Xèo cho biết: "Tham gia tổ hợp tác cuộc sống của các thành viên trong hợp tác xã cũng khấm khá hơn, trước đây đa phần là hộ nghèo, thì nay chỉ còn 4 hộ nghèo".

Ông Cồ Bá Thìn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết, từ hiệu quả thương hiệu rượu San Lùng mang lại và sức cạnh tranh của thị trường, nhất là hàng giả thương hiệu. Hiện nay, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn có ý thức giữ gìn và phát huy giá trị của nghề truyền thống này. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng rượu trước khi cung ứng ra thị trường; tăng cường kết nối giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. Từng bước đưa nghề nấu rượu truyền thống của người dân thôn San Lùng thành nghề góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Rượu San Lùng có hương vị riêng không thể trộn lẫn đã nức tiếng gần xa. (Ảnh: Mai Huệ)

Thương hiệu rượu San Lùng là sản phẩm truyền thống đặc trưng cho một dân tộc, vì vậy, để duy trì và bảo vệ thương hiệu rượu San Lùng trong môi trường cạnh tranh đòi hỏi mỗi người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải có chiến lược hiệu quả. Qua đó, giúp nhãn hiệu rượu San Lùng sẽ tiếp tục được thị trường biết đến như một nét văn hóa đặc trưng của người Lào Cai, đất Lào Cai. 

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết