(Laocaitv.vn) - Hoạt động sản xuất theo tổ, nhóm có nhiều lợi ích đó là tập trung được trí tuệ, nguồn lực, tăng cường sức cạnh tranh và sự chia sẻ giúp đỡ nhau của các thành viên. Vậy nhưng khi quy mô, khối lượng sản phẩm tương đối lớn, chất lượng đồng đều và hướng tới nông nghiệp sạch, thì vấn đề có tính quyết định đến sự bền vững của các tổ nhóm này là sự ổn định về thị trường tiêu thụ. Do vậy, để đảm bảo cho hiệu quả hoạt động của các mô hình sinh kế, vấn đề liên kết thị trường cần phải coi là yếu tố then chốt.
Nhận thấy tầm quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, Dự án Giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2 đã dành một khoản kinh phí nhất định để hình thành các chuỗi liên kết thị trường. Cụ thể là một số doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã được dự án lựa chọn giới thiệu và hỗ trợ trong quá trình thực hiện liên kết, giúp nhiều nhóm sinh kế có cùng sản phẩm trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm. Gia đình chị Triệu Thị Khoa ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng dược liệu. Từ khi nhóm trồng dược liệu của chị tham gia vào liên kết thị trường, chị không phải tự mang dược liệu ra bán ngoài thị trấn, mà đều đặn 2 tháng 1 lần Công ty kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa sẽ cử người đến tận nhà để thu mua toàn bộ sản phẩm. Tham gia liên kết tiêu thụ, Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa cũng nhận được sự hỗ trợ của dự án giảm nghèo. Từ sản xuất thủ công, công ty đã trang bị được hệ thống máy móc hiện đại, nâng công suất và chất lượng sản phẩm. Qua đó, sản phẩm được đảm bảo về tiêu chuẩn, mẫu mà và tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.
Với loại gạo đặc sản nổi tiếng của huyện Mường Khương. Trước đây do sản xuất và tiêu thụ nhỏ lẻ, nên hiện tượng gạo Séng Cù giả hoặc bị pha trộn rất phổ biến. Sau khi được Dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai hỗ trợ và xúc tiến hình thành liên kết tiêu thụ, Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương đã cam kết thu mua toàn bộ lúa Séng Cù của các nhóm sinh kế tại 4 xã của huyện là Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố và Nậm Chẩy với giá tối thiểu 16 nghìn đồng/kg. Ngược lại, các nhóm sinh kế này cũng cam kết sẽ trồng giống thuần chủng, đúng quy trình an toàn và không bán sản phẩm cho đơn vị khác. Chính nhờ sự liên kết chặt chẽ như vậy nên chỉ riêng trong năm 2016, Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương thu mua được 150 tấn lúa Séng Cù của các nhóm tham gia liên kết. Qua đó đã xây dựng được thương hiệu gạo đặc sản Séng Cù và hiện nay Hợp tác xã đang mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị để tiếp tục liên kết bởi diện tích trồng lúa Séng Cù của huyện Mường Khương hiện đã lên tới gần 600ha.
Ảnh: Trang Đặc sản vùng cao Tây Bắc
Liên kết thị trường cũng đã giúp huyện Bát Xát mở rộng diện tích trồng dong riềng, trước đây trồng phân tán chỉ khoảng vài chục ha đến nay đã lên tới 500 ha. Gia đình anh Lầu A Tùng ở thôn Ngải Thầu, xã Dền Thàng trồng tới 4 ha dong riềng. Theo anh Tùng, cây dong riềng trồng rất dễ nhưng lại khó ở khâu vận chuyển, tiêu thụ. Nếu không có doanh nghiệp liên kết đến tận nhà thu mua thì gia đình anh không thể trồng với diện tích lớn như hiện nay. Tham gia liên kết thị trường do dự án Giảm nghèo tỉnh Lào Cai hỗ trợ, Hợp tác xã Thành Sơn đã tiêu thụ gần như toàn bộ sản phẩm dong riềng trong huyện. Được dự án hỗ trợ một phần về vốn đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, Hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, nâng công suất lên 30 tấn miến trong năm 2017. Qua đó, các nhóm sinh kế cũng có thêm cơ hội để mở rộng diện tích trồng dong riềng, tăng thêm thu nhập cho các thành viên.
Không riêng ở dự án giảm nghèo mà hiện nay hầu hết các cấp, các ngành của Lào Cai đều đang đặc biệt quan tâm, và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc hình thành các môi liên kết giữa nhà nông với nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp, giúp bà con nông dân thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết