Lợi ích từ việc cấp mã số vùng trồng

15:46 17-12-2024 | :47

Laocaitv.vn - Chuối là một trong những cây trồng chủ lực trong Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm, các vùng trồng chuối được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và gắn trách nhiệm của chính quyền và người sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm của nước nhập khẩu.

Gia đình anh Đặng Quốc Ngân tích cực mở rộng diện tích trồng chuối.

Được cấp mã số vùng trồng, quả chuối tươi của xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát đã được xuất khẩu chính ngạch, giúp tiêu thụ thuận lợi và giá bán cao, ổn định. Nhận thấy tiềm năng, năm nay gia đình anh Đặng Quốc Ngân, thôn Nà Lặc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát quyết định trồng thêm hơn 1.000 gốc chuối để tăng thu nhập. "So với mấy năm trước chưa có mã số vùng trồng, bán chuối rất khó khăn, giờ nhà tôi liên hệ với công ty đã được cấp mã số vùng trồng, bây giờ chuối được giá và tiêu thụ dễ", anh Đặng Quốc Ngân chia sẻ.

Xã Trịnh Tường hiện có gần 100 ha chuối, toàn bộ diện tích đã được cấp mã số vùng trồng. Đây là điều kiện cần thiết và bắt buộc để xuất khẩu, đồng thời là yếu tố quan trọng trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng chủ lực này tại địa phương. "Được cấp mã số vùng trồng có thể kiểm soát được quy trình sản xuất của người dân, trong truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện xuất khẩu chính ngạch, không được cấp thì việc xuất khẩu rất khó khăn", ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát cho biết.

Các vùng trồng chuối được cấp mã số vùng trồng đã tạo thêm động lực giúp bà con yên tâm phát triển cây trồng này.

Toàn tỉnh đã có 10 mã số vùng trồng chuối được cấp. Để quản lý và sử dụng hiệu quả các mã vùng trồng này, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ quá trình canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các quy chuẩn của nước nhập khẩu. "Phối hợp chặt chẽ trong giám sát định kỳ chủ thể của vùng trồng về quy định có liên quan, tăng cường phổ biến quy trình sản xuất, cũng như quy định của nước nhập khẩu với nông sản của Việt Nam", bà Ma Thị Hà Thu, Trưởng phòng Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói.

Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ đảm bảo tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Điều này giúp nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững, hiệu quả của nền nông nghiệp hàng hóa.

Thế Long - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết