Mô hình trồng nấm rơm rải kệ của chị Mã Thị Hiền

06:46 03-08-2024 | :295

Laocaitv.vn - Tìm hiểu, học hỏi và đưa mô hình trồng nấm rải kệ vào phát triển kinh tế, hướng đi này của chị Mã Thị Hiền, ở thôn Tượng 3, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai giúp tận dụng được rơm, rạ sau thu hoạch lúa, tạo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Mô hình trồng nấm rải kệ của gia đình chị Hiền cho thu nhập ổn định.

Tận dụng khu chuồng trại trước đây đầu tư nuôi vịt, năm 2023, chị Mã Thị Hiền cải tạo thành khu vực trồng nấm rơm. Dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch và được tiêu thụ khá thuận lợi là những lợi ích mà mô hình trồng nấm rơm rải kệ trong nhà mang lại. Tuy nhiên, khi mới triển khai, chị Hiền cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc mua men nấm. Chị Mã Thị Hiền, thôn Tượng 3, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Bước đầu thì tôi làm chưa hiểu rõ lắm, thấy vấn đề khó khăn nhất là thời tiết. Lúc nóng, lúc ẩm, lúc mưa lạnh, miền Bắc khó làm hơn miền Nam. Với lại nguồn men giống miền Bắc không có, mua rất là cao, tôi thường đặt mua tại Cần Thơ".

Trồng nấm trong nhà, nhưng trước đó công đoạn ủ rơm phải được thực hiện ngoài trời. Sau khi đã ủ, rơm được đưa vào và rải trên các kệ. Toàn bộ công đoạn này đến khi cho thu hoạch khoảng hơn 1 tháng. Lợi thế trồng nấm rải kệ trong nhà kín là điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, nấm ít bị bệnh, lại tiết kiệm được nhân công. Hiện 1 kg nấm rơm trồng trong nhà giá bán từ 180.000 - 200.000 đồng và tiêu thụ khá thuận lợi. Chị Hiền cho biết thêm: "Hiệu quả kinh tế mang lại cao. Trước tôi nuôi vịt thì không cao lắm, chuyển đổi trồng nấm, đỡ tốn chi phí thức ăn chăn nuôi so với nuôi vịt. Nuôi nấm dễ hơn, chỉ sử dụng rơm rạ, nguồn nguyên liệu tại địa phương".

 Công đoạn ủ rơm được thực hiện ngoài trời, sau đó mới đưa rơm vào rải trên các kệ.

Anh Hoàng Binh Trọng, công chức UBND xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai cho biết: "Cái mô hình trồng nấm của nhà chị Hiền đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với cây trồng, vật nuôi khác. Trong thời gian tới xã sẽ nhân rộng, phát triển thêm cho nhiều hộ trong xã thực hiện mô hình này".

Việc tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để trồng nấm theo kỹ thuật mới giúp gia đình chị Mã Thị Hiền có thêm nguồn thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Và với hiệu quả từ mô hình trồng nấm rải kệ này, sắp tới chị Hiền sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích trồng để tăng thu nhập./.

Việt Hùng – Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết