Laocaitv.vn - Khép lại năm 2018, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà có 12% số hộ dân thoát nghèo. Hiện địa phương này đang phấn đấu giảm tiếp 10% hộ nghèo trong năm 2019, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn khoảng 30%. Để đạt được mục tiêu đó, đã có nhiều hướng phát triển kinh tế được vạch ra, trong đó khai thác và nâng cao giá trị của cây chè hữu cơ là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững.
Chè Shan Bản Liền là chè hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nên có chất lượng tốt
Chè Shan Bản Liền là chè hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nên có chất lượng tốt, nổi tiếng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Thời điểm này, bà con nông dân xã Bản Liền đang khẩn trương thu hoạch những lứa chè xuân cuối cùng. Những gốc chè hàng chục năm tuổi đang mang lại niềm vui cho nhiều hộ dân nơi đây. Bà Lâm Thị Lả, đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà: "Trước giá thấp thì không được mấy, bây giờ giá cao thì thu nhập cũng tốt, mình thì không biết buôn bán nên chỉ trông vào cây chè này thôi".
Bản Liền là vùng chè hữu cơ lớn nhất của tỉnh Lào Cai với hơn 300 ha, trong đó có 297 ha đã cho thu hoạch. Bản Liền vốn là vùng chè Tuyết Shan cổ thụ, nay người dân nơi đây đã biết cách bảo tồn giống chè quý bằng cách trồng mới cây chè, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và năng suất. Đặc biệt, từ cuối năm 2017, sản phẩm chè Shan Bắc Hà được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, là động lực để vùng chè hữu cơ Bản Liền phát triển bền vững. Anh Vàng A Giáp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Liền cho biết: "Bà con trước đây để cây chè phát triển tự nhiên, không chăm sóc, đốn tỉa gì cả, vài năm mới đi phát, tỉa một lần nên sản lượng rất kém, nhưng bây giờ bà con đã biết các kỹ thuật chăm sóc và tạo tán cây chè, do vậy cây chè cho sản lượng cao, chất lượng đảm bảo".
Năm 2017, sản phẩm chè Shan Bắc Hà được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Mỗi năm, hàng trăm tấn chè búp tươi đã được Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua với giá bán khá ổn định, khoảng 15.000 đồng/kg. Chè Bản Liền được HTX chế biến thành thành nhiều loại khác nhau với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 130 tấn chè khô xuất sang thị trường Châu Âu, và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Để xây dựng thành công và giữ vững được giá trị của sản phẩm chè Bản Liền, hợp tác xã luôn giám sát chặt chẽ mọi quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè, từ việc đốn tỉa, chăm sóc đến thu hái để cho ra sản phẩm cuối cùng hoàn hảo. Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX Chè Bản Liền cho biết: "Hiện Hợp tác xã có 178 hộ được cấp giấy chứng nhận, mỗi người trồng chè đều có mã số, có sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên 1 năm 1 lần, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận".
Sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân ở Bản Liền đã tạo ra sản phẩm chè an toàn và có uy tín trên thị trường. Theo tính toán, trung bình mỗi ha chè của xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.
Thu Hường – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết