Người góp phần đưa rượu nếp Dần Thàng vươn xa

14:43 28-09-2020 | :1094

Laocaitv.vn - Rượu nếp xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn được làm từ men lá có thể hỗ trợ chữa một số loại bệnh, như đau xương khớp, nhức mỏi chân tay, dị ứng.... Rượu mang hương vị đặc trưng cay nồng và rất thơm. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và đang hướng tới đạt sao OCOP cấp tỉnh.

Bà Cói thực hiện các thao tác nấu rượu nếp.

Là người có trên 30 năm nấu rượu, bà Triệu Thị Cói, thôn Nậm Tăm, xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn cho biết: Rượu nếp của người Dao ở Dần Thàng có từ khi khai sơn, lập bản và được truyền từ đời này qua đời khác. Để nấu ra những giọt rượu nếp thơm, ngon mang hương vị đặc trưng thì quan trọng nhất là men lá sau đó đến cách trộn men, ủ rượu và nấu rượu. Men phải lấy đầy đủ các loại dược liệu. Rượu ủ vừa phải, không ủ nóng quá hoặc ủ nguội quá, nóng quá rượu sẽ chua, nguội quá rượu sẽ đắng.

Để giữ gìn cách nấu rượu nếp truyền thống, hiện nay bà Cói đang truyền dạy bí quyết cho con dâu để sau này có người kế cận truyền thống của gia đình.

“Lúc mới đầu học mẹ nấu rượu tôi nghĩ mình không làm được vì rất nhiều công đoạn nhưng dần dần tôi cũng đã nấu rượu thành công. Bây giờ mẹ già yếu rồi phần lớn tôi làm để giữ được nghề truyền thống và có thêm thu nhập cho gia đình”, chị Triệu Thị Khách, con dâu bà Cói cho biết.

Bà Cói hướng dẫn con dâu cách nấu rượu nếp ngon.

Theo bà Cói, gạo nếp dùng để nấu rượu thường là gạo giống địa phương, trước đây được bà con trồng trên nương và năng suất không cao nhưng gạo có độ thơm, bùi và được bảo quản trên gác bếp. Bên cạnh đó, men được làm từ 20 loại thảo dược hái trong rừng về rửa sạch đem nấu tổng hợp khi nào tạo ra được dung dịch nước sánh đậm thì chắt ra chậu để nguội, trộn lẫn trấu đã nghiền mịn cùng với bột khô của một số lá thảo mộc, dùng tay nặn thành quả men. Sau khi nặn xong men đặt lên gác bếp sấy 15 ngày. Để đạt năng suất cao và giữ được chất lượng sản phẩm, bà Cói và các hộ nấu rượu đã có những cải tiến trong sản xuất cũng như tuân thủ quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung bình mỗi năm bà Cói bán ra thị trường từ 500 đến 600 lít rượu, với giá bán 50.000 đồng/lít mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Điều bà Cói và các hộ nấu rượu nơi đây vui mừng là sản phẩm làm ra đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đang hướng tới đạt sao OCOP cấp tỉnh. Như vậy, sản phẩm của bà con dân bản có cơ hội được biết đến rộng rãi hơn, vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống vừa tăng thêm thu nhập cho người dân./.

Nhóm PV


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết