Nhiều kinh nghiệm quý học được từ Chương trình OCOP của Hà Tĩnh

14:08 22-07-2020 | :1053

Laocaitv.vn - Qua chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế cách thức xây dựng một số sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh, đoàn công tác tỉnh Lào Cai đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, có thể tham mưu, triển khai áp dụng ở Lào Cai.

Trong chuyến tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Hà Tĩnh, đoàn công tác tỉnh Lào Cai do ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đã có buổi hội đàm trực tiếp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, được lắng nghe nhiều chia sẻ ý nghĩa trong triển khai Chương trình OCOP của Hà Tĩnh.

 

Quang cảnh hội đàm.

Sau gần 2 năm triển khai, dù còn nhiều khó khăn phải tiếp tục tháo gỡ, nhưng Chương trình OCOP Hà Tĩnh đã đạt được không ít thành tựu, với 72 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao trở lên (trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 69 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2020, có 180 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình.

Qua thực tế triển khai cho thấy, các sản phẩm từ sau khi tham gia Chương trình OCOP phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu; doanh thu sản phẩm OCOP được xếp hạng ở Hà Tĩnh đã tăng từ 10 - 25% so với trước khi tham gia chương trình. Ở Hà Tĩnh đang có 14 điểm trưng bày, kinh doanh các sản phẩm OCOP, phân bổ đều khắp các huyện, thành thị, nổi bật nhất phải kể đến kẹo cu đơ Phong Nga, nước mắm Phú Khương, gạo chất lượng cao Cẩm Thành, nhung hươu Hương Sơn…

Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, để có được những thành tựu bước đầu như ngày hôm nay, trước hết Hà Tĩnh phải đặt mục tiêu, quyết tâm rõ ràng và luôn nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện theo đúng quỹ đạo đã đặt ra.

“OCOP phải coi phát huy giá trị nội sinh, phát triển cộng đồng là cốt lõi. Bắt tay làm OCOP phải đi từ đặc trưng, khác biệt để tạo ra ưu thế, và phải từng bước đi lên từ những thứ rất nhỏ, có thể chỉ từ một hộ kinh doanh phát triển lên chứ chương trình này không dành cho các doanh nghiệp lớn bỏ vốn đầu tư ồ ạt”, ông Dực nhấn mạnh.

 

 Ông Nguyễn Hữu Dực (áo trắng) chia sẻ kinh nghiệm từ Chương trình OCOP của Hà Tĩnh.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, Hà Tĩnh xây dựng được bộ chính sách rất mạnh với nguồn kinh phí ưu tiên dồi dào, từ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn đến hỗ trợ quy hoạch, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Năm 2020, dự kiến kinh phí hỗ trợ chính sách cho Chương trình OCOP của Hà Tĩnh khoảng trên 40 tỷ đồng.

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thông qua phần mềm chấm điểm hoạt động trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, rất dễ sử dụng và bảo đảm độ chính xác cao. Cơ sở dữ liệu số về OCOP của Hà Tĩnh cũng được xây dựng khá đồ sộ. Đối với tất cả các dự án OCOP được chọn làm điểm của tỉnh này đều bố trí hệ thống camera giám sát toàn bộ khâu sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm an toàn, minh bạch về nguồn gốc. Các cơ sở vi phạm về sử dụng tem mác, chất lượng sản phẩm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội đàm.

Phát biểu tại hội đàm, ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai đánh giá cao kết quả mà Chương trình OCOP của Hà Tĩnh đã đạt được. Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện chương trình của Hà Tĩnh chắc chắn sẽ giúp ích cho đoàn công tác trong tham mưu, triển khai Chương trình OCOP ở Lào Cai.

Hiện, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 52 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao, đó là sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền (Bắc Hà). Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2020 sẽ xây dựng được 90 sản phẩm OCOP, vượt 30 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.

Tại buổi hội đàm, phía Hà Tĩnh cũng bày tỏ sẵn sàng chia sẻ cách làm, mô hình dữ liệu, tài nguyên số, hỗ trợ Lào Cai tối đa để cùng hoàn thành mục tiêu chung vì một nông thôn Việt Nam phát triển bền vững.

Dịp này, đoàn công tác cũng đã tới tham quan, tìm hiểu thực tế cách thức xây dựng một số sản phẩm OCOP điểm và hệ thống trưng bày sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh.

 

Đoàn công tác thăm nhà máy chế biến gạo KC Hà Tĩnh.

 

Tham quan vườn mẫu tại xã nông thôn mới Tượng Sơn.

 

Đoàn cũng đã đi tham quan khu vực đóng gói, dán tem nước mắm Phú Khương.

 

Tham quan cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh.

 Nguyễn An Kiên

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết