Laocaitv.vn - Bề rộng mặt đường nhỏ, chỉ khoảng 3 m, không điểm tránh, 2 bên là đường đất, là thực trạng chung của hầu hết các tuyến đường nông thôn mới hiện nay, điều này tiền ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế của người dân. Một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để mở rộng đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.
Mở rộng đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.
Tuyến đường trục chính thôn Phú Thịnh, xã Phú Nhuận dài hơn 2 km vừa được mở rộng từ 3 m lên thành 6 m, ngoài 3 m bê tông, hai bên lề đường được san lấp mở rộng, giúp nhân dân đi lại, giao thương thuận lợi. Để mở rộng tuyến đường này, Ban Chi ủy thôn Phú Thịnh đã bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, công khai nên người dân đồng tình ủng hộ, đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất vườn và đất ruộng để làm đường. Ông Phạm Quốc Quân, thôn Phú Thịnh 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: "Thôn chúng tôi cứ chỗ nào dễ thì làm trước, khó thì làm sau, rồi các hộ dân tự vận động nhau. Trong thời gian vừa qua 100% tuyến đường đã làm xong hết".
Không chỉ riêng thôn Phú Thịnh, thời gian qua, phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phú Nhuận diễn ra khá tích cực, dù không có cơ chế hỗ trợ từ nhà nước và do nhân dân tự đóng góp kinh phí để thuê máy móc mở rộng đường và tự giải phóng mặt bằng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Phú Nhuận đã nâng cấp, mở rộng được trên 20 km đường giao thông liên xóm, liên ngõ, đường trục chính nội đồng..., phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Ông Nguyễn Hữu Lý, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Đây là một sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Phú Nhuận, tạo được sự đồng thuận cao làm nên những đoạn đường lý tưởng như vậy. Hiện nay đường ở Phú Nhuận rất tốt, 2 xe ô tô tránh nhau không gặp khó khăn nguy hiểm nữa, điều kiện kinh tế tăng lên rõ rệt, cho thấy lợi ích từ những con đường mở rộng".
Với những tuyến đường không thể mở rộng được, xã Phong Niên đã vận động nhân dân làm các điểm tránh, cứ 300 m 1 điểm tránh, tận dụng các ngã 3, các ngõ đường vào các hộ gia đình để mở rộng.
Còn ở xã Phong Niên, với những tuyến đường không thể mở rộng được, xã cũng đã vận động nhân dân làm các điểm tránh với khoảng cách chừng 300m có một điểm tránh, trong đó tận dụng các ngã 3, các ngõ đường vào các hộ gia đình để mở rộng, tránh tình trạng các xe vận chuyển hàng hóa gặp nhau phải lùi lại gây ách tắc, va chạm nguy hiểm. Về cơ chế, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, xã cũng vận động nhân dân tiếp tục đóng góp tiền, ngày công, tự giải phóng mặt bằng để làm đường. Ông Ngô Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi đã mở rộng đường ra được 4 m, nếu như chúng tôi nắm được chủ trương trước thì sẽ có nhiều tuyến đường được mở rộng và tuổi thọ của các tuyến đường sẽ được lâu hơn, không phải làm đi, làm lại nhiều lần. Các tuyến đường mở rộng rất thuận lợi cho việc các xe ô tô đi lại giao thương hàng hóa. Từ nay những xã nào còn xây dựng đường giao thông, nếu đủ điều kiện thì cũng mạnh dạn như Phong Niên là đề xuất xin luôn làm đường 4 m, dày 20 cm, để đảm bảo công trình được bền lâu hơn".
Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng và kịp thời, mà qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, tạo “luồng gió mới”, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí, thay đổi diện mạo giao thông nông thôn và nâng cao đời sống của người dân./.
Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết