Nông dân vùng cao Bát Xát phát triển đàn ngựa hàng hóa

10:07 29-07-2022 | :1424

Laocaitv.vn - Cùng với các giống cây chủ lực, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi, phát triển đàn ngựa hàng hoá. Tận dụng được các lợi thế về đồng cỏ, kinh nghiệm chăn nuôi, mô hình nuôi ngựa đang mang lại nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.

Nhờ được vay vốn gia đình anh Giang đầu tư nuôi ngựa sinh sản.

Năm 2021, từ 170 triệu đồng được hỗ trợ vay từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện, anh Lê Công Giang, thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát đã đối ứng thêm để mua 14 con ngựa giống về nuôi sinh sản. Chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm chỉ sau 1 năm, ngựa của gia đình anh Giang đã bắt đầu sinh sản, dự kiến cuối năm tổng đàn sẽ tăng lên hơn 20 con. Anh Giang chia sẻ: "Chưa nuôi ngựa thì tôi nuôi dê, lợn. Lợn dịch bệnh nhiều nên nhà tôi không nuôi được, nuôi ngựa bắt đầu thấy hiệu quả, thấy tăng đàn, ăn uống khoẻ, bình thường".

Cũng được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và 50% lãi suất khi tham gia mô hình nuôi ngựa sinh sản. Chị Lưu Thị Phượng, thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát luôn chú trọng đến khâu chăm sóc và phòng bệnh trên đàn ngựa. Đặc biệt để ngựa sinh sản, phát triển tốt, ngoài cỏ chị Phượng còn bổ sung thêm thóc, ngô vào khẩu phần ăn cho ngựa. Chị Phượng chia sẻ: "Bắt đầu dự án thì khó khăn chưa đảm bảo nguồn thức ăn, qua mấy tháng chuẩn bị được rồi thì thấy nhàn. Ngựa vốn to vậy thôi nhưng trưởng thành thì đạt hiệu quả hơn con khác, muốn nó béo tốt thì cho ăn thêm chất bột thôi chứ không ngựa chỉ ăn cỏ, uống nước lã".

Để đàn ngựa phát triển tốt chị Phượng luôn chú trọng đến khâu chăm sóc và phòng bệnh.

Xã Cốc Mỳ hiện có 14 hộ dân tham gia dự án phát triển đàn ngựa hàng hoá. Từ 108 con ở thời điểm năm 2021, hiện tổng đàn ngựa tại địa phương đã lên 234 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn ngựa, chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhân dân mở rộng, phát triển diện tích trồng cỏ lên 20 ha. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách xây lò ủ cỏ và các phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn dự trữ cho ngựa trong mùa đông. Ông Trần Văn Đằng, Bí thư Đảng uỷ xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cho biết: "Ngoài hỗ trợ lãi suất 50% theo Đề án 01 của Huyện uỷ thì chúng tôi cũng đang triển khai Nghị định 28 của Chính phủ để hỗ trợ Nhân dân khu vực khó khăn vay vốn, hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện rất tốt để Nhân dân như xã Cốc Mỳ phát triển kinh tế. Đàn ngựa hiện phát triển rất tốt, nhất là ở các thôn vùng cao".

Với giá bán 20 triệu đồng cho 1 con ngựa giống 1 năm tuổi, ngựa trưởng thành có giá từ 30-40 triệu đồng 1 con, thì ngựa đang là con giống có giá trị cao hơn nhiều so với bò và trâu. Từ tín hiệu tích cực này, việc phát triển đàn ngựa thành hàng hoá là chủ trương đúng đắn, đang mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nhân dân vùng cao xã Cốc Mỳ.

 Vân Anh-Việt Hoà


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết