Phát huy tính bền vững của những dự án giảm nghèo

20:26 02-06-2019 | :438

Laocaitv.vn - Là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa, trong vài năm trở lại đây, Thanh Kim đã vươn mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế và đang trên chặng đường về đích nông thôn mới. Có được kết quả đáng phấn khởi trên là do địa phương đã phát huy được tính bền vững của những dự án giảm nghèo, từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm để người dân tự vươn lên.

Giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất nông nghiệp… là những rào cản lớn nhất trong phát triển kinh tế của người dân thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim. Trước đây, từng có rất nhiều dự án đã được triển khai, tuy nhiên không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do tâm lý trông chờ, ỷ lại, tư tưởng không muốn thoát nghèo để nhận hỗ trợ của Nhà nước đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã dần thay đổi nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Nhận thức rõ, công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân là yếu tố then chốt để những dự án giảm nghèo có tính bền vững cao, xã Thanh Kim đã phát huy vai trò của trưởng thôn, của những người uy tín trong cộng đồng trong việc gương mẫu đi đầu cũng như tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế. Khi ý thức vươn lên thoát nghèo được nâng lên, người dân đã chủ động hơn trong việc tiếp cận những dự án giảm nghèo. Họ bắt đầu tìm hiểu những hướng phát triển kinh tế bền vững, mạnh dạn vay vốn ngân hàng thông qua sự giúp đỡ của xã để đầu tư vào sản xuất và thực tế rất nhiều dự án đã phát huy được hiệu quả, đang góp phần làm thay đổi đời sống cho nhiều hộ dân nơi đây như: Dự án nuôi bò, trồng cây ớt, trồng hoa địa lan, phát triển dịch vụ du lịch Homestay… Gia đình ông Lý Nhất Quáng, thôn Lếch Dao là một trong những hộ tham gia dự án trồng cây ớt được triển khai tại địa phương. Đến nay, sau 3 năm, cây trồng này đã góp phần giúp gia đình ông thoát nghèo với thu nhập hàng năm từ 40 - 50 triệu đồng, ông Quáng cho biết: "Khi chưa có các chương trình, dự án thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nhưng từ khi xã có các dự án như: Trồng cây ớt, trồng cây gừng, trồng hoa địa lan...  giờ kinh tế của các hộ trong thôn ổn định khá, giả".

Cây gừng được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Thanh Kim

Với mỗi dự án, xã Thanh Kim đều tiến hành họp  lấy ý kiến của người dân để đảm bảo khi được triển khai sẽ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và phải xuất phát từ nhu cầu của người dân. Xã lựa chọn kỹ càng những hộ có khả năng thực hiện được dự án để đảm bảo yếu tố thành công, sau đó mới tiếp tục nhân rộng. Các dự án giảm nghèo cũng phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, đào tạo nghề hay những chương trình sinh kế để hỗ trợ lâu dài cho người dân. Ông Nguyễn Đắc Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Kim, huyện Sa Pa cho biết: "Thay vì trực tiếp hỗ trợ cây, con giống như trước đây, từ năm 2017 đến nay xã đã yêu cầu người dân chủ động xây dựng dự án, sau đó triển khai hỗ trợ hoặc tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng chính sách. Bằng cách làm này, những dự án giảm nghèo ở xã Thanh Kim đã phát huy được hiệu quả hơn so với kỳ vọng, góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã trong những năm qua".

Xã Thanh Kim đang đặt ra mục tiêu là đến năm 2020 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, việc hoàn thành tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo và mức thu nhập cho người dân vẫn đang là thách thức không nhỏ cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên với nền tảng xây dựng được từ những dự án giảm nghèo, hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế và ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân. Địa phương này đang kỳ vọng sẽ có được sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.               

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết