Phát triển các vùng chuyên canh để nâng cao hiệu quả kinh tế

09:29 11-09-2021 | :972

Laocaitv.vn - Là tỉnh vùng cao, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nhưng tại Lào Cai đang hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh. Khi thực hiện sản xuất tập trung, quy mô lớn thì sẽ có sản lượng lớn, đáp ứng các đơn đặt hàng và người nông dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định và bền vững hơn.

Những năm qua, chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực của nông dân Mường Khương.

Mường Khương là huyện có vùng chè lớn nhất của tỉnh, lên đến hơn 3.100 ha. Toàn bộ diện tích này đang được bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm chè búp. Yếu tố để nông dân yên tâm gắn bó với cây chè chính là có đến 4 cơ sở chế biến chè búp được đặt ở các khu vực trồng chè trọng điểm của huyện. "Trồng chè tốn công ít mà thu hoạch được nhiều hơn ngô. Bây giờ có nhà máy thu mua thì bà con cũng yên tâm hơn", anh Giàng Sèo, thôn Pa Cheo Phìn B, xã Cao Sơn, huyện Mường Khương chia sẻ.

Phát triển cây dược liệu cát cánh đang là hướng đi mới, mở ra cơ hội giảm nghèo cho nông dân Bắc Hà.

Trong khi đó thì việc trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO của nông dân vùng cao Bắc Hà đang giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Từ 1 ha cây cát cánh được trồng thử nghiệm ở xã Tả Van Chư vào năm 2017, đến nay, nông dân Bắc Hà đã phát triển lên đến 65 ha. Toàn bộ sản phẩm đều được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thu mua, sơ chế để cung ứng theo đơn đặt hàng của các công ty dược trong nước.

Để phát triển vùng sản xuất chuyên canh, nhiều địa phương của tỉnh cũng đang xây dựng liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, hướng đến xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn theo hướng hữu cơ. "Cần phải có chiến lược phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, đó là khai thác được tiềm năng lợi thế riêng có của từng vùng để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; hai là trên cơ sở tiềm năng sẵn có sẽ phát triển các mặt hàng chủ lực, mang tính nội tiêu là chủ yếu", ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nói.

Đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã có 79 chuỗi nông sản an toàn. Việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh và xây dựng hệ thống thông tin quản lý đang góp phần nâng cao giá trị nông sản. Người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tin tưởng vào thương hiệu, vì vậy sẵn sàng mua với giá cao hơn.

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết