Phát triển ngành chăn nuôi từ bài học giá thịt lợn

19:50 18-12-2019 | :678

Laocaitv.vn -  02 năm trở lại đây, giá thịt lợn hơi xuống thấp đã làm cho nhiều hộ dân không còn mặn mà với công việc chăn nuôi đã từng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Vấn đề phát triển toàn diện ngành chăn nuôi thông qua chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn đang là bài toán khó đặt ra với các cấp, các ngành chức năng và với cả người chăn nuôi lợn, đặc biệt là sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại nặng nề ngành chăn nuôi tỉnh nhà.

Lấy nguồn thịt lợn từ các hộ chăn nuôi tại xã, các sản phẩm từ cơ sở của chị Phương đã tạo được tin tưởng từ thị trường.

Năm 2018, giữa tâm bão của đợt xuống giá thịt lợn hơi, chị Nguyễn Thị Phương cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà đứng ngồi không yên, bởi đây gần như là nguồn thu nhập chính của gia đình, lúc này lứa lợn đã đến kỳ xuất bán, mặc dù giá cả có lúc đã chạm dưới ngưỡng, nhưng cũng không có thương lái đến mua, chị Phương lại tiếc công chăm sóc bao ngày tháng qua. Trước khó khăn đó, chị Phương cùng một số chị em trong xã đã tham gia vào Dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp - Chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn” do tổ chức Oxfam Việt Nam hỗ trợ. Đây có lẽ là quyết định quan trọng nhất đã làm thay đổi nhận thức, cũng như cách thức làm ăn, phát triển kinh tế của gia đình chị. Từ ý tưởng làm xúc xích và giò chả, dự án đã hỗ trợ chị Phương cách lên phương án kinh doanh, các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và tìm kiếm thị trường. Dám nghĩ, dám làm đó chính là động lực để chị Phương bàn bạc với gia đình đầu tư gần 100 triệu đồng để mua sắm thêm máy móc như máy xay thô, máy xay nhuyễn, máy đóng gói chân không…, nhằm đảm bảo chất lượng cũng như mang đến sự yên tâm hài lòng cho các khách hàng. Đặc biệt, với nguồn thịt lợn phong phú, chất lượng tốt được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các hộ chăn nuôi trong xã, nên các sản phẩm xúc xích, giò chả từ cơ sở sản xuất của chị Phương đã tạo nên sự tin tưởng vững chắc và nhận được nhiều lời khen ngợi từ thị trường. Đến nay, với giá bán từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình chị Phương thu về từ 5 - 6 triệu đồng. Chị Phương cho biết: “Vừa qua giá thịt lợn xuống giá thấp quá, bà con không bán được, trong khi đó lợn ở đây lại rất đảm bảo. Vì vậy tôi đã quyết định chuyển hướng làm các sản phẩm từ chính lợn của bà con nuôi. Bên cạnh đó, ở đây phụ nữ nhiều người thất nghiệp, tôi muốn tạo công ăn việc làm cho bà con và tạo thành vùng sản xuất đặc trưng được nhiều người biết đến”.

Mường Khương là địa phương chịu nhiều thiệt hại sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn, thế nhưng, chỉ sau 07 tháng, bằng các biện pháp phòng chống kịp thời, địa phương này đã thông báo hết dịch tại 16 xã, thị trấn của huyện. Theo thống kê, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Mường Khương vào tháng 5/2019. Đến nay, toàn huyện đã có 665 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng. Tổng đàn lợn bị tiêu hủy là trên 3.898 con (chiếm gần 12% tổng đàn trên địa bàn huyện), với trọng lượng lợn bị thiệt hại hơn 196 tấn. Ông Ứng Văn Phương, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương cho rằng: "Chăn nuôi nhỏ lẻ đang là hạn chế lớn và đi kèm theo đó là rủi ro về dịch bệnh lẫn giá cả, thị trường tiêu thụ bị động. Để phát triển toàn diện ngành chăn nuôi thông qua chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn, trong thời gian tới, huyện Mường Khương sẽ tập trung khuyến khích nhân dân chuyển đổi, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học".

Từ nay đến năm 2030, Lào Cai sẽ phát triển chăn nuôi hữu cơ, truy suất được nguồn gốc.

Từ nay đến năm 2030, Lào Cai sẽ phát triển chăn nuôi theo 02 hướng là chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại quy mô lớn áp dụng hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, gắn với giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường và chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, truy suất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế ngành chăn nuôi; nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nhất là đối với đàn lợn, để hướng đến không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các thị trường tiềm năng ở các khu vực lân cận. Bà Phạm Thị Hoa, Phó chi cục trưởng, Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo bà con là thực hiện các liên kết sản xuất, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị, mở rộng thị trường ra các thành phố lớn. Trong thời gian tới, tỉnh cũng tăng cường chế biến các đặc sản ẩm thực bản địa từ lợn, gắn với các sản phẩm OCOP để phục vụ tốt hơn cho thị trường”.

Thực hiện phát triển toàn diện ngành chăn nuôi thông qua chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, tăng cường khả năng cạnh tranh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây được xem là hướng đi đúng đắn, từng bước đưa ngành chăn nuôi của Lào Cai ngày càng phát triển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có giá trị gia tăng cao và bền vững./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết