Laocaitv.vn - Được thiên nhiên ưu đãi, Lào Cai hiện vẫn còn giữ được nhiều vùng chè cổ thụ. Những cây chè cổ thụ đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vùng cao. Tuy nhiên, để sản phẩm chè cổ thụ vươn ra thị trường quốc tế thì yêu cầu về quản lý, giám sát vùng trồng cần phải được thực hiện sớm.
Thôn Ngải Trồ - nơi còn nhiều chè cổ thụ nhất huyện Bát Xát. Những cây chè Shan có đường kính từ 20 đến 40 cm, mọc dưới tán rừng tự nhiên. Rừng chè này vẫn được bà con thu hái, từ khi có cơ sở chế biến tại thôn, giá chè búp đã tăng rõ rệt.
Chị Chảo San Mẩy ở thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát cho biết: "Trước đây tôi chưa được học cách trồng và sao chè, giờ được học rồi hy vọng sau này chăm sóc chè sẽ tốt hơn, năng suất cao hơn".
"Tôi cùng mấy anh em kết hợp góp vốn để thu mua chè cho bà con, giúp bà con có đầu ra, kinh tế phát triển", anh Vàng Xuân Ngan, chủ cơ sở chế biến chè cổ thụ ở xã A Mú Sung cho biết thêm.
Nhiều năm nay, những cây chè cổ thụ ở A Mú Sung luôn được người dân chăm sóc và thu hái.
Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện còn trên 1.000 cây chè cổ thụ tại 4 huyện Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Mặc dù lượng búp thu hái được không nhiều nhưng giá trị kinh tế của chè cổ thụ lại rất cao. Như ở Tả Thàng (huyện Mường Khương), mỗi cân chè búp tươi có giá 32.000 đồng – cao nhất trong các loại chè hiện nay tại Lào Cai.
Chị Hàng Vế, ở thôn Xì Khà La, xã Tả Thàng chia sẻ: "Tôi thấy việc trồng chè ở thôn rất có ý nghĩa với bà con; giá trị kinh tế thị trường rất cao, có thể giúp bà con không phải đi làm thuê xa nữa".
Giá trị kinh tế của chè cổ thụ rất cao.
Ngoài chè cổ thụ, toàn tỉnh có gần 80 ha chè Shan cổ thụ nhiều năm tuổi. Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cấp mã số vùng trồng cho toàn bộ diện tích này.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết: "Cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nơi có vùng chè cổ thụ về kỹ thuật thu hái, đốn tỉa, chăm sóc, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thứ hai là tiến tới xây dựng thương hiệu cho chè cổ thụ; thứ ba là phải cấp mã số vùng trồng cho toàn bộ vùng chè cổ thụ để đảm bảo chè cổ thụ có liên kết sản xuất, có quản lý chặt chẽ giữa khâu sản xuất và khâu chế biến, xúc tiến thương mại và xuất khẩu".
Với những giải pháp đang triển khai, chắc chắn sẽ phát huy được giá trị của những cây chè quý để nâng cao thu nhập cho người dân nơi rẻo cao Lào Cai.
Ngọc Hà - Xuân Anh - Phương Sửu - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết