Tả Phời cần xác định lại cơ cấu cây trồng phù hợp

11:10 11-04-2025 | :80

 

Laocaitv.vn - Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị canh tác là giải pháp được hầu hết các địa phương quan tâm triển khai, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc lựa chọn cây trồng phù hợp, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sự chủ động, vào cuộc của người dân là yếu tố quyết định. Vậy  nhưng trong thực tế, không phải sự chuyển dịch nào cũng mang lại hiệu quả và thành công như kỳ vọng. Câu chuyện phát triển cây lê VH6 ở xã vùng cao Tả Phời, thành phố Lào Cai là một ví dụ điển hình.

Đồi Lê VH6 đã hơn chục năm tuổi, rộng hàng chục ha tại thôn Phìn Hồ, cỏ dại mọc chen cây. Theo những người dân trực tiếp trồng, nguyên nhân là do cây không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Ông Hạng A Sào ở Thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Bà con mất nhiều công sức nhưng một số lại bỏ hoang, bởi làm không có công. Nụ thì nhiều nhưng quả thì ít".

“Tổng diện tích trồng lê ở Phìn Hồ là 32 ha. Nhà nước hỗ trợ một phần cây giống và phân bón, nhưng sau đó cây không cho quả. Nhiều hộ không còn làm cỏ hay chăm sóc nữa. Hơn nữa, lê VH6 là cây mắt ghép, tuổi thọ thấp, nay đã héo úa dần”, ông Giàng A Su, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, cho hay.

Lê VH6 ở Phìn Hồ héo úa dần, người dân bỏ bê chăm sóc vì cây không cho quả.

Dự án phát triển vùng cây ăn quả, trọng tâm là cây lê được Nhà nước đầu tư cho thôn Phìn Hồ từ năm 2009 đến năm 2013 với tổng số 80 ha. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón 2 năm đầu. Ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào trồng, cây lê VH6 không ra quả, hoặc có quả nhưng nhỏ, năng suất thấp, chất lượng quả kém. Hậu quả là người dân bỏ, không chăm sóc.

Bà Châu Thị Kết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tả Phời, thành phố Lào Cai cho biết: “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở trên đó thì chúng tôi đang định hướng. Chúng tôi cũng chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cũng như chưa lựa chọn được những cây giống nào phù hợp để thay thế cây lê”.

Dự án phát triển cây lê ở Phìn Hồ thất bại, người dân bỏ hoang do năng suất thấp, chất lượng kém.

Từ một vùng trồng lê rộng lớn, hiện xã Tả Phời chỉ còn duy trì khoảng hơn 3 ha. Đáng chú ý là những diện tích trước kia trồng lê không hiệu quả, bà con đã phá bỏ và đưa cây quế vào trồng thay thế. Tuy nhiên, cây quế cũng tỏ ra chưa phù hợp. Gần đây, một số hộ được hỗ trợ đưa cây dược liệu, cây đào và măng bói vào trồng, với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lê như trước đây.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết