Tăng cường các giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất rừng

15:34 19-07-2022 | :327

Laocaitv.vn - Thời gian qua, ở một số địa phương của huyện Bắc Hà xuất hiện tình trạng người dân tự ý xâm lấn đất rừng phòng hộ để trồng quế. Các cơ quan chức năng, các địa phương đã tích cực vào cuộc để ngăn chặn, xử lý các vụ việc này. 6 tháng đầu năm nay, dù số vụ vi phạm đã giảm nhiều, tuy nhiên vẫn còn phức tạp cần nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.

6 tháng đầu năm 2022 tổng diện tích rừng bị phá là 14 ha.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 77 vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 55 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó riêng số vụ phá rừng trái pháp luật  là 19 vụ, lấn chiếm rừng 6 vụ. Tổng diện tích rừng bị phá là 14 ha. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng để trồng các loại cây khác. Ông Nguyễn Tư Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết: "Vì lợi ích của cây quế mang lại rất lớn, do vậy người dân xâm hại rừng để trồng cây quế.”

Ông Bùi Văn Long, Trạm Kiểm lâm khu vực Bảo Nhai, huyện Bắc Hà cho biết: “Còn một nguyên nhân nữa là đất của các hộ gia đình nằm liền kề với đất của Nhà nước, của Ban quản lý rừng phòng hộ và Ủy ban xã. Các hộ gia đình có tình trạng phát luỗng theo hình thức vết dầu loang để lấn chiếm thêm diện tích đất trồng quế”.

Ngành Kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng tại cơ sở, địa bàn dân cư.

Trên thực tế, rừng bị xâm lấn thường xảy ra ở các khu vực có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, ít người qua lại. Hiện trạng chồng lấn ranh giới giữa các loại rừng cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện trên toàn tỉnh diện tích rừng chồng lấn lên đến trên chục nghìn ha khiến nhiều người lợi dụng phá rừng để trồng các loại cây khác. Một nguyên nhân nữa là hạn chế về năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng chưa cao. Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện tượng đất đai chồng lấn giữa diện tích rừng chưa giao, chưa thuê mà hiện do UBND xã quản lý. Diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý vẫn còn tình trạng chồng lấn và người dân xâm canh vào diện tích của các chủ rừng này".

Nhằm ngăn chặn hiệu quả việc xâm lấn rừng, phá rừng, bảo vệ tốt rừng phòng hộ, về phía ngành Kiểm lâm, đơn vị chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng tại cơ sở, địa bàn dân cư; tích cực tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc xâm lấn đất rừng. Đẩy nhanh tiến độ bao phủ, quản lý rừng bằng công nghệ thông tin. Khi co sự chủ động, vào cuộc của cả cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân thì rừng mới có thể phát triển bền vững./.

 Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết