Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật

15:50 29-07-2020 | :598

Laocaitv.vn - Trong mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, những năm gây đây, huyện Bát Xát đã phát huy lợi thế của địa phương để phát triển cây dược liệu trên diện tích khá lớn, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây. Để thực hiện thành công mục tiêu đó thì công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất được đặt lên hàng đầu.

Nông dân thôn Lao Chải áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây đương quy cho hiệu quả kinh tế cao.

Thay cho trồng lúa 1 vụ, hàng chục hộ dân tại thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng cây đương quy. Những vườn đương quy gần 1 năm tuổi, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho bà con Nhân dân. Chị Tẩn Thị Lâm, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chia sẻ: “Trước kia người dân chỉ biết trồng lúa, mỗi năm được 1 vụ, đủ ăn là may. Bây giờ người dân ở đây chuyển sang trồng cây đương quy, cũng không khó làm lắm mà lại cho hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng cây lúa. Nếu có điều kiện, chúng tôi mong muốn được mở rộng diện tích trồng thêm nhiều cây đương quy”.

Đương quy không phải là cây trồng quá mới ở Lao Chải nhưng để trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có liên kết đầu ra thì vẫn là hướng đi khá mới mẻ. Vì vậy, để vận động người dân hăng hái tham gia mô hình, Bí thư Chi bộ thôn Lao Chải, ông Ly Giá Xe đã mạnh dạn tham gia trồng cây dược liệu theo mô hình mới, áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Ông Ly Giá Xe cho biết: “Khi có lớp tập huấn, tôi đã vận động bà con tham gia, ban đầu cũng khó khăn nhưng dần dần thì thấy được hiệu quả nên bà con cũng hăng hái tham gia hơn. Bà con mong muốn mở thêm những lớp học về trồng cây dược liệu để có được năng suất cao hơn”.

Hướng dẫn các hộ trồng cây dược liệu theo hình thức cầm tay chỉ việc ngay tại vườn.

Kết quả này có được một phần nhờ đề tài Sản xuất giống và trồng một số loại cây dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới do Phân hiệu Đại học Thái Nguyên làm chủ và được triển khai trên địa bàn xã. Sau khi điều tra, khảo sát thực địa, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống, quy trình trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản một số loại dược liệu quý, đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất dược liệu mẫu để chuyển giao cho bà con. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất cây dược liệu một cách bền vững. Anh Tẩn Văn Cầu, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát cho biết: “Ngày đầu mới tham gia trồng thì cũng thấy khó khăn lắm vì mình không biết nhiều kỹ thuật để trồng. Nhưng qua mấy năm, được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ, phải tỉa lá ra sao, bón phân như thế nào thì thấy là cây này chỉ tốn một chút công chăm sóc chứ không quá vất vả”.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Bát Xát đã có gần 400 ha cây dược liệu, đa phần các loại cây trồng chính đang được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, màng nilon che phủ để hỗ trợ nông dân trồng trên quy mô lớn. Khi bà con đã có kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất là điều kiện thuận lợi để Bát Xát duy trì và phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững để người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.

Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết