Laocaitv.vn - Với khả năng chịu hạn tốt, chăm sóc dễ dàng, năng suất đạt cao, cây sa nhân tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho người dân xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát).
Laocaitv.vn - Với khả năng chịu hạn tốt, chăm sóc dễ dàng, năng suất đạt cao, cây sa nhân tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho người dân xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát).
Cây sa nhân tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. (Ảnh: Viet Nam Pv)
Cây sa nhân tím bén duyên với người dân xã Phìn Ngan từ những năm 1993. Nhưng phải từ năm 2012 đến nay, lợi thế hàng hóa của cây sa nhân tím mới được đồng bào Dao ở đây phát huy. Anh Chảo A Khé ở thôn Sải Duần là một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm trồng cây sa nhân tím. Nhờ trồng sa nhân tím dưới tán rừng, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Khé cho hay: Phìn Ngan có điều kiện thích hợp để phát triển cây sa nhân tím; chi phí bỏ ra ít để trồng loại cây này thấp, không tốn nhiều công như trồng ngô.
Theo những người trồng sa nhân tím lâu năm tại Phìn Ngan, trồng sa nhân tím chỉ mất 3 năm đầu làm cỏ, những năm sau đó, cây mọc lan kín mặt đất nên gần như cả năm không mất công chăm sóc. Sa nhân tím là giống cây dễ trồng, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Mỗi năm, cây cho thu hoạch một lần vào khoảng tháng 7, tháng 8. Quả sa nhân tím sau khi thu về được sấy khô ngay tại nương hoặc bán quả tươi. Do giá thành cao, số lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua hoặc đặt hàng các gia đình trồng sa nhân tím ngay từ đầu năm. Năm nay, giá sa nhân tím tươi bán 100 – 150nghìn đồng/kg.
Cây sa nhân tím dùng làm thuốc đông y, có giá trị hơn cây sa nhân trắng. (Ảnh: Viet Nam Pv)
Hiện tại, toàn xã Phìn Ngan có hơn 126ha sa nhân tím, trong đó có 100 ha đang cho thu hoạch, tập trung nhiều ở thôn Sủng Hoảng, Sùng Bang, Sải Duần và thôn Suối Chải… chủ yếu do người dân trồng tự phát ở khu vực gần rừng hoặc những mảnh đất bỏ hoang lâu năm, dốc, nhiều đá, không thích hợp để trồng ngô, lúa. Vụ sản xuất năm 2018, nhân dân trong xã thu hoạch 80 tấn quả tươi, mang lại tổng nguồn thu hơn 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân còn bán cây giống cho các địa phương khác trong tỉnh thu về hơn 2 tỷ đồng. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cây này, những năm gần đây, xã đã quy hoạch vùng trồng, khuyến khích bà con không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao năng xuất sa nhân tím trồng dưới tán rừng. Bà Chảo Cói Mẩy, Bí thư Chi bộ thôn Sải Duần là một trong những người đi đầu trồng cây sa nhân tím ở địa phương cho biết: Cây sa nhân tím dùng làm thuốc đông y, có giá trị hơn cây sa nhân trắng.
Mô hình trồng cây sa nhân tím có nhiều triển vọng và hiện tại đang cho hiệu quả kinh tế cao tại Phìn Ngan. Ngoài ra, sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng, vì đây là loại cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Đức Tiến
Đài TT- TH Bát Xát
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết