Trồng cây mắc ca trên đất Lào Cai

09:54 19-03-2022 | :806

Laocaitv.vn - Cây mắc ca được nhập về trồng tại Ba Vì cách đây hơn 20 năm, sau đó được trồng tại Đăk Lăk, Lâm Đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây lâm nghiệp lấy hạt này, một số nông dân Lào Cai đã chủ động tìm giống, trồng thử, bước đầu đang mang lại hiệu quả.

Anh Lìu Phừ chăm sóc cho vườn mắc ca của gia đình.

Năm 2015, gia đình anh Lìu Phừ, thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tham gia lớp tập huấn về phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc miền núi. Được tư vấn, giới thiệu về cây mắc ca, anh Phừ đã mua 250 cây giống về trồng. Tự bỏ vốn, học kinh nghiệm từ các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, vườn mắc ca nhà anh Phừ đã cho quả từ năm trước, bán được gần 8 triệu đồng. "Khu vực Na Lốc phù hợp nên cây có khả năng phát triển tốt, ra hoa và đậu quả nhiều. Năm nay, gia đình vừa trồng thêm hơn 200 cây. Cây mắc ca dễ chăm sóc, chỉ phát cỏ, bón phân một năm bón mấy lần", anh Lìu Phừ, thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương nói.

Hình ảnh quả mắc ca.

Cây mắc ca hiện được một số hộ dân tại Bản Lầu, huyện Mường Khương, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai và công ty Hoàng Lan đang trồng, với tổng diện tích khoảng 10 ha. Hầu hết các cây từ 7 năm tuổi trở lên đều đã ra hoa và bắt đầu ra quả. Đây là cây trồng đa mục đích, vừa có tác dụng phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa có thể phát triển kinh tế khi cho thu hoạch quả hằng năm. Trong điều kiện được chăm sóc, cây có thể cho quả từ 50 đến 70 năm. Kỹ sư Nguyễn Văn Bắc, thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết: "Cây mắc ca trồng ở hai nơi này đang sinh trưởng, phát triển tốt. Mặc dù chưa chăm sóc chu đáo lắm, nhưng về cơ bản có thể phát triển mắc ca trên vùng này. Cây này là cây đa mục đích, vừa có thể cho thu hái quả, vào mùa hoa chúng ta có thể nuôi ong lấy mật".

Cây mắc ca trồng ở Lào Cai mới ở diện tự phát, chưa có trong quy hoạch hay mục tiêu phát triển của địa phương. Vì vậy, trong điều kiện có thể phát triển được loại cây lâm nghiệp đa mục đích này, ngành nông nghiệp và các địa phương cần có kế hoạch khảo sát, đánh giá thực tế để đưa ra quy trình trồng, chăm sóc và lựa chọn bộ giống phù hợp. Nếu thành công, Lào Cai sẽ đóng góp vào mục tiêu là phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững của đất nước.

 Ngọc Hà – Lâm Thi

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết