Văn Bàn lại căng mình chống dịch tả lợn châu Phi

09:30 27-05-2020 | :515

Laocaitv.vn - Sau một thời gian công bố hết dịch tả lợn châu Phi, hiện nay dịch bệnh này lại quay trở lại huyện Văn Bàn. Đến nay, đã có 10 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, bệnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Đối với người chăn nuôi, đây là một nỗi lo lớn, vì kinh tế chủ yếu dựa vào việc nuôi lợn, băn khoăn về việc tái đàn hay chuyển hướng sang nuôi trồng cây con khác đang làm khá nhiều người dân lo lắng.

Người dân chủ động rắc vôi bột khử trùng khu vực chăn nuôi.

Gia đình ông Nông Văn Toàn, thôn Ken 2, là một trong số những hộ chăn nuôi lâu năm của xã Chiềng Ken. Trong đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình ông cũng bị thiệt hại không nhỏ. Để ngăn ngừa mầm bệnh, gia đình ông Toàn thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất để xử lý chuồng trại. Tuy nhiên, trong tháng 5 này, sau khi xã Chiềng Ken lại xuất hiện lợn nhiễm bệnh, ông Toàn liền ngưng mọi hoạt động tái đàn. Mặc dù giá lợn tại thời điểm này lên rất cao, nhưng với những khuyến cáo của các cơ quan chức năng cùng với độ rủi ro cao, ông Toàn đã ngưng toàn bộ hoạt động tái đàn lợn của gia đình và tính toán chuyển hướng sang các hoạt động chăn nuôi khác. Ông Nông Văn Toàn, thôn Ken 2, xã Chiềng Ken chia sẻ: “Tổn thất cho gia đình thì rất lớn, nhưng Nhà nước đã vận động thì gia đình cũng chấp hành, tiêu hủy đàn lợn để chuyển sang nuôi con khác. Nhưng bây giờ cũng chưa biết làm cái gì được, vẫn còn đang phải nghiên cứu, nuôi gà vịt thì cũng hay bị chết lắm. Không có đàn lợn thì bây giờ gia đình tôi cũng không có tiền cho sinh hoạt hàng ngày”.

Xã Chiềng Ken là địa phương chịu khá nhiều thiệt hại trong đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát năm 2019, địa phương này đã tiêu hủy trên 5 tấn lợn của 18 hộ chăn nuôi trên địa bàn. Mặc dù đã công bố hết dịch bệnh, tuy nhiên, trong tháng 5 này, dịch bệnh lại bùng phát trở lại tại 2 thôn Tẳng Pậu và thôn Chiềng với 5 con lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy. Trong thời gian này, chính quyền xã Chiềng Ken cũng đã tuyên truyền, vận động Nhân dân không nên vội tái đàn lợn, tập trung xử lý và đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, đáp ứng tốt các điều kiện chăn nuôi sau này. Hiện, xã cũng đang thử nghiệm mô hình chăn nuôi gà cho các hộ dân, bước đầu, mô hình này cũng đã được một số hộ dân đồng tình và ủng hộ, thị trường xuất bán của loại vật nuôi này cũng khá dễ tiêu thụ, vòng quay sản xuất chỉ trong vài tháng là người dân có thể xuất bán, thu hồi vốn nhanh. Ông Vấn Gia Lâm, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn cho biết: “Hiện nay nhiều hộ thiệt hại rất lớn, tiền thì không có để đầu tư, nên có thể chúng tôi sẽ hỗ trợ vay vốn để bà con có thêm điều kiện để phát triển kinh tế trong thời gian tới, như mô hình nuôi gà”.

 Hiện, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã lan ra 9 xã, thị trấn của huyện Văn Bàn.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, nếu tính từ đầu tháng 5, khi phát hiện đàn lợn nhiễm bệnh tả lợn châu Phi đầu tiên ở xã Võ Lao, thì đến nay, dịch bệnh đã lan ra 9 xã, thị trấn của huyện là thị trấn Khánh Yên, Liêm Phú, Khánh Yên Hạ, Sơn Thủy, Khánh Yên Trung, Nậm Tha, Khánh Yên Thượng, Chiềng Ken, Làng Giàng, với tổng số đầu lợn phải tiêu hủy là 174 con của 52 hộ gia đình. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: "Trước nguy cơ của bệnh dịch, huyện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng chống dịch. Ðồng thời, thành lập 2 chốt kiểm soát tại 2 xã Võ Lao (Tỉnh lộ 151) và xã Hòa Mạc (Quốc lộ 279) để kiểm soát việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, rà soát các xã trong vùng có nguy cơ cao. Cũng theo khuyến cáo, người dân cần thận trọng theo dõi tình hình dịch bệnh, không nên nôn nóng khôi phục đàn lợn vào thời điểm này, có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm, hoặc các loại đại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, mầm bệnh do virus dễ phát tán và lây lan trong môi trường. Việc nóng vội tái đàn sẽ khiến người chăn nuôi đứng trước nhiều rủi ro và nguy cơ dịch bệnh lan rộng là khó tránh khỏi.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết