Nhiều người nằm rạp xuống đất hoặc tìm cách nấp trong các tòa nhà, nghĩ rằng mình sẽ chết dưới làn đạn trong vụ xả súng tại Las Vegas.
Nhiều người nằm rạp xuống đất hoặc tìm cách nấp trong các tòa nhà, nghĩ rằng mình sẽ chết dưới làn đạn trong vụ xả súng tại Las Vegas.
Những tiếng súng ban đầu giống tiếng pháo hoa, khiến đám đông 22.000 người tại sự kiện âm nhạc Route 91 Harvest vào đêm 1/10 không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi ban nhạc ngừng chơi và ca sĩ chính Jason Aldean lao khỏi sân khấu, AP đưa tin.
"Đó là tiếng súng", một người đàn ông nói dứt khoát giữa sự im lặng và bối rối của đám đông. "Cúi xuống! Cúi xuống! Đừng ngẩng đầu lên", một phụ nữ liên tục kêu gọi những người xung quanh. Sau chưa đầy nửa phút, tiếng súng lại vang lên và sự sợ hãi tràn ngập khu vực.
"Mọi người bắt đầu la hét và chúng tôi bỏ chạy. Bạn có thể cảm thấy sự hoảng loạn khi đạn sượt trên đầu", Andrew Akiyoshi, một nhân chứng cho biết. Một số người nằm rạp xuống mặt đất, số khác chen lấn qua những cửa thoát hiểm chật hẹp đông người, thậm chí leo qua hàng rào dưới làn đạn súng máy từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay.
"Bạn không biết phải làm gì. Tim bạn đập liên hồi và chỉ nghĩ được rằng mình sắp chết", Akiyoshi nhớ lại. Cảnh sát trưởng Las Vegas Joseph Lombardo cho biết đã có 59 người thiệt mạng và 527 người bị thương trong vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Kẻ tấn công được xác định là Stephen Paddock, 64 tuổi, có thể đã tự sát trước khi lực lượng đặc nhiệm đột kích căn phòng số 135. Paddock ở đây từ hôm 28/9, y đã đập nhiều cửa sổ để lấy vị trí bắn vào sân khấu âm nhạc cách đó 500 m. Cảnh sát trưởng Lombardo cho biết chưa thể xác định động cơ dẫn tới vụ xả súng này.
Cảnh sát tìm thấy tới 16 khẩu súng trường, một số được lắp kính ngắm, cùng một súng ngắn trong phòng khách sạn của Paddock. Hai khẩu súng trường trong số này được chỉnh sửa để có thể bắn liên thanh, quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Vị trí xảy ra vụ xả súng tại Las Vegas. Đồ họa: AP. |
Tại nhà thủ phạm, lực lượng an ninh phát hiện thêm 18 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn và chất nổ. Xe của Paddock cũng chứa nhiều kg ammonium nitrate, loại phân bón có thể dùng làm chất nổ và từng được sử dụng trong vụ đánh bom tại bang Oklahoma, Mỹ hồi năm 1995.
Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy vụ xả súng có liên quan tới chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trước đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm, đồng thời tuyên bố Paddock là một "chiến binh" vừa cải đạo sang Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "hành động tàn ác". Ông chủ Nhà Trắng cùng Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ tới Las Vegas vào ngày 4/10 để thăm các gia đình nạn nhân và lực lượng phản ứng khẩn cấp.
Nước Mỹ sẽ treo cờ rủ đến ngày 6/10 để tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng, theo thông báo từ Nhà Trắng. "Cái ác không thể chia rẽ sự đoàn kết của chúng ta. Mối liên kết giữa chúng ta không thể bị bạo lực phá vỡ", ông Trump tuyên bố.
Số lượng nạn nhân cần được điều trị đang gây quá tải các bệnh viện ở Las Vegas. Chính quyền thành phố đã phải kêu gọi hiến máu từ người dân, đồng thời lập đường dây nóng để thông báo người mất tích, tăng tốc độ nhận dạng người chết và bị thương. Las Vegas cũng mở "trung tâm đoàn tụ gia đình" để nạn nhân tìm kiếm người thân. Hơn 12 tiếng sau vụ xả súng, nhiều thi thể nạn nhân vẫn đang được đưa khỏi khu vực biểu diễn.
Paddock khai hỏa lúc 22h07 giờ địa phương, hắn xả súng liên tục trong hơn 10 phút mà không bị cản trở. Cảnh sát Las Vegas phải vội vàng tìm vị trí của Paddock, xác định liệu làn đạn bắt nguồn từ khách sạn Mandalay Bay hay Luxor gần đó.
Kẻ tấn công xả súng từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay, cách lễ hội âm nhạc khoảng 500 m. Ảnh: AFP |
Tới 22h14, một sĩ quan thông báo qua bộ đàm, cho biết đang bị bắn ghìm đầu, buộc phải nấp sau một bức tường trên đại lộ Las Vegas cùng 40-50 người. "Chúng ta không thể lo về các nạn nhân. Chúng ta phải ngăn chặn kẻ xả súng trước khi có thêm nhiều nạn nhân. Bất kỳ ai thấy hắn, hãy ngăn hắn lại ngay", một sĩ quan khác nói trên bộ đàm sau đó một phút.
Gần sân khấu, ca sĩ nhạc đồng quê Dylan Schneider nấp dưới khu vực ngồi cho VIP cùng nhiều người khác. "Anh bạn, chúng ta làm đây?", Schneider liên tục lặp lại câu hỏi với người quản lý trong hơn 5 phút. Xác người nằm la liệt ở trước sân khấu, trong khi người sống sót vẫn la hét và khóc lóc. Tiếng chạy xung quanh sân khấu càng gây bối rối, Schneider nghĩ rằng nhiều tay súng đang tấn công buổi biểu diễn.
"Không ai biết phải làm gì. Bạn chạy trối chết, không biết quyết định nào mới là đúng đắn. Như tôi đã nói, chúng tôi phải rời khỏi đó", Schneider cho biết. Ca sĩ này chen lấn qua đám đông và tìm được chỗ ẩn nấp ở khách sạn Tropicana gần đó. Schneider đạp cửa xông vào phòng kỹ thuật và ở đó trong nhiều giờ cũng những người khác.
Chớp lửa đầu nòng có thể được thấy trong đêm tối khi Stephen Paddock khai hỏa. "Đó là thứ điên rồ nhất tôi từng thấy trong đời mình. Bạn có thể nghe thấy tiếng động từ phía tây, bắt nguồn tại khách sạn Mandalay Bay. Bạn có thể thấy nhiều chớp lửa", nhân chứng Kodial Yazzie nhớ lại.
Đám đông bị dồn vào những khu vực trống trải, không có che chắn và không có lối thoát dễ dàng. Nhiều nạn nhân ngã xuống đất, trong khi những người khác sợ hãi bỏ chạy. Một số nấp sau sân khấu hoặc bò dưới gầm ôtô. Mọi khuôn mặt đều tràn đầy vẻ hoảng loạn và bối rối, nhiều người chỉ có thể gào thét và khóc.
Nhiều câu chuyện cảm động cũng xuất hiện trong vụ xả súng. Nhiều cặp đôi nắm chặt tay nhau khi chạy qua khu vực trống trải gần sân khấu. Nạn nhân bị thương được các khán giả khác kéo tới chỗ ẩn nấp, sau đó đưa lên ôtô để tới bệnh viện. Những người bỏ chạy được cho đi nhờ để nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Trong 59 người thiệt mạng, có ít nhất ba cảnh sát đang trong thời gian nghỉ. Hai sĩ quan bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, một trong số đó nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát Las Vegas tại khu vực xảy ra vụ xả súng. Ảnh: Reuters. |
Thị trưởng Las Vegas Carolyn Goodman gọi kẻ tấn công là "gã điên rồ đầy thù hận". Cảnh sát trưởng Lombardo cho biết Stephen Paddock hành động một mình. Dù hắn không có tiền án, cha của Paddock từng là tên cướp ngân hàng nằm trong danh sách truy nã đặc biệt của FBI hồi thập niên 1960.
Eric Paddock, em trai kẻ xả súng, không biết lý do khiến anh mình thực hiện hành động này. "Tôi thậm chí còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Hoàn toàn không có gì", Eric Paddock khẳng định.
Trước vụ việc này, vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại xảy ra hồi tháng 6/2016, khi một tay súng ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công hộp đêm cho người đồng tính ở Orlando, bang Florida, làm 49 người thiệt mạng.
Một số buổi hòa nhạc trên thế giới cũng trở thành mục tiêu tấn công. Hồi tháng 5, một kẻ đánh bom tự sát đã kích hoạt khối thuốc nổ tại buổi biểu diễn của Ariana Grande ở Manchester, Anh, làm chết 22 người. Khoảng 90 người cũng thiệt mạng trong một vụ tấn công tương tự ở Pháp vào năm 2015.
Tử Quỳnh
Theo Vnexpress.net
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết