Laocaitv.vn - Giữa bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 6,3 triệu ca mắc Covid-19, WHO đã lần đầu lên tiếng sau khi ông Trump tuyên bố cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Laocaitv.vn - Giữa bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 6,3 triệu ca mắc Covid-19, WHO đã lần đầu lên tiếng sau khi ông Trump tuyên bố cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 19.979 ca mắc Covid-19 và 676 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng tổng số ca mắc ở Mỹ lên 1.857.149 người với 106.871 người tử vong. Chính phủ Mỹ hôm 1/6 đã ký một hợp đồng 628 triệu USD với nhà sản xuất Emergent BioSolutions nhằm thúc đẩy khả năng sản xuất một loại vaccine tiềm năng chống Covid-19.
Ảnh minh họa: Reuters
Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ Latin đã vượt quá 1 triệu trong khi những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như Anh và Nga đã dỡ phong tỏa hôm 1/6 bất chấp việc vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh. Chiếm hơn nửa triệu ca mắc Covid-19, Brazil vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới và là ổ dịch lớn nhất Mỹ Latin. Quốc gia này ghi nhận thêm 10.458 ca mắc mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 525.307 với gần 30.000 trường hợp tử vong.
Peru, Chile và Mexico vẫn là những điểm nóng ở Mỹ Latin với số ca mắc Covid-19 tăng cao trong ngày. Peru và Chile đều ghi nhận hơn 5.000 ca mắc Covid-19/ngày trong khi Mexico ghi nhận thêm 3.152 ca trong 24h qua. Dù vậy số ca tử vong ở Mexico lại cao nhất trong 3 nước này và cao thứ 2 Mỹ Latin, chỉ sau Brazil với gần 10.000 ca.
Nga ghi nhận thêm 9.035 ca mắc Covid-19 mới và 162 trường hợp tử vong trong 24h. Nga sẽ bắt đầu cung cấp đợt thuốc đầu tiên đã được thông qua để điều trị Covid-19 cho các bệnh nhân vào tuần sau, động thái làm dấy lên hy vọng sẽ làm giảm áp lực lên hệ thống y tế và đẩy nhanh việc quay trở lại cuộc sống bình thường. Công ty sản xuất loại thuốc điều trị Covid-19 có tên là Avifavir đủ khả năng sản xuất cho 60.000 bệnh nhân trong 1 tháng.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha chỉ ghi nhận thêm 209 ca mắc Covid-19 mới trong ngày và không có trường hợp nào tử vong. Tổng số ca Covid-19 tại quốc gia này hiện là 286.718 ca với 27.127 ca tử vong.
Anh vẫn là ổ dịch lớn thứ 5 thế giới với số ca tử vong cao nhất châu Âu. Nước này ghi nhận thêm 1.570 ca mắc mới và 111 ca tử vong trong 24h qua. Tổng số người chết vì dịch Covid-19 ở Anh hiện là 39.045.
Italy - nơi từng là tâm dịch châu Âu, đã có 20 ca mắc mới và 60 trường hợp tử vong trong ngày.
Pháp và Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số trong 1 ngày, lần lượt là 338 và 271 với các ca tử vong ở mức 2 con số lần lượt là 31 và 13. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp là gần 190.000 ca trong khi Đức ghi nhận 183.765 trường hợp mắc bệnh.
Đứng thứ 7 trong danh sách các nước có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ với 198.370 ca mắc và 5.608 trường hợp tử vong sau khi ghi nhận thêm 7.761 ca mắc mới và 200 ca tử vong trong 24h. Một số bang ở Ấn Độ đã mở cửa trở lại trong khi nhiều người bắt đầu đổ ra đường hôm 1/6 giữa bối cảnh kế hoạch giai đoạn 3 nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu, bất chấp số ca mắc mới có xu hướng gia tăng. Hơn 60% các ca tử vong ở Ấn Độ xảy ra tại 2 bang là Maharashtra - trung tâm tài chính và giải trí của Ấn Độ, và Gujarat - quê hương của Thủ tướng Narendra Modi.
Lệnh phong tỏa ở Ấn Độ vẫn được thực hiện đến ngày 30/6 ở một số khu vực trong khi các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ vẫn chưa đạt tới đỉnh dịch.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có tổng số ca mắc Covid-19 cao hơn Iran, với 164.769 ca so với 154.445 ca, nhưng số ca mắc trong ngày đang có xu hướng tăng lên nhiều hơn ở Iran so với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 24h qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 827 ca mắc mới, trong khi Iran ghi nhận gần 3.000 ca. Số ca tử vong trong ngày của 2 nước đều ở mức 2 con số, lần lượt là 23 và 81.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là hơn 6,3 triệu người với 376.760 trường hợp tử vong, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/6 khẳng định tổ chức này vẫn muốn hợp tác với Mỹ bất chấp quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Tổng thống Trump.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định sự tham gia của Mỹ trong tổ chức đã "tạo khác biệt lớn" trong hàng thập kỷ và "WHO mong muốn sự hợp tác này sẽ tiếp tục".
"Chúng tôi đã nhận được những câu hỏi về thông báo hôm 29/5 của Tổng thống Mỹ. Thế giới có lợi ích lâu dài từ sự hợp tác mạnh mẽ với chính phủ và người dân Mỹ. Sự đóng góp và sự rộng rãi của chính phủ cũng như người dân nước này về vấn đề y tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ là rất lớn. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt về y tế công cộng trên khắp thế giới. Mong muốn của WHO là tiếp tục duy trì sự hợp tác này", ông Tedros khẳng định./.
Tổng hợp
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết