Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Không kỳ vọng có đột phá

14:47 09-10-2019 | :451

Laocaitv.vn - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao bất chấp 2 nước sắp bước vào vòng đàm phán cấp cao tại Washington vào ngày mai (10/10).

Lập trường của Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc kéo dài gần 1 năm rưỡi đã trở nên cứng rắn hơn, trong khi giới quan sát nhận định Trung Quốc chưa muốn đi đến một thỏa thuận thương mại trên diện rộng với Mỹ, khiến triển vọng đạt được đột phá trong vòng đàm phán ngày mai là rất thấp.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao bất chấp 2 nước sắp bước vào vòng đàm phán cấp cao tại Washington vào ngày mai (10/10).

Tình hình chuyển biến xấu hơn khi hôm qua (8/10) Bộ Thương mại Mỹ đưa 28 đơn vị an ninh và doanh nghiệp của Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại, với lý do các cơ quan và doanh nghiệp này vi phạm quyền của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen sẽ khiến các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Trung Quốc không thể mua hàng hóa và công nghệ Mỹ nếu không có sự cho phép của chính phủ Mỹ.

Trong một động thái khác phủ bóng đen lên cuộc đàm phán thương mại cấp cao, chính phủ Mỹ hôm 8/10 đã áp dụng lệnh cấm visa đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến người thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương. Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố tên cụ thể của quan chức nào bị cấm visa, chỉ nói rằng hành động này là để “bổ sung” cho chế tài của Bộ Thương mại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lập tức lên án các hành động của Mỹ là “tạo ra cái cớ” để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Vấn đề Tân Cương đơn thuần là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và nước ngoài không có quyền can thiệp. Không có cái gọi là vấn đề nhân quyền ở Tân Cương như cáo buộc của Mỹ. Cáo buộc đó là vô nghĩa, là cái cớ có chủ đích do Mỹ tạo nên để can thệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Các biện pháp mà chính phủ Trung Quốc áp dụng ở Tân Cương là nhằm chống khủng bố, ngăn chặn những mầm mống cực đoan. Điều đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp của Trung Quốc và thông lệ quốc tế, được 25 triệu dân của tất cả các nhóm thiểu số ở Tân Cương ủng hộ cũng như có đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế”.

Những động thái mới nhất của Mỹ đã gây thêm căng thẳng vào thời điểm hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán cấp Bộ trưởng lần đầu tiên sau hơn 2 tháng. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ làm việc với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ Trưởng tài chính Steven Mnuchin trong ngày 10 và 11/10. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ rút ngắn chương trình tại Washington, nếu nhận thấy không có bất kỳ tiến bộ nào. Giới chức Trung Quốc cũng không kỳ vọng nhiều vào kết quả đàm phán, bởi quan điểm giữa 2 bên vẫn còn những khác biệt lớn về các vấn đề then chốt.

Một nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc muốn ký thỏa thuận nhưng không chấp nhận cuộc chơi theo kiểu “kẻ thắng người thua”. Nhà ngoại giao này cho biết Mỹ cần phải chấp nhận sự khác biệt giữa hệ thống kinh tế của hai quốc gia, đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc. Nước này sẵn sàng cải thiện vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ, nhưng việc Mỹ tố cáo Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ là không công bằng. 

Triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán này càng mong manh hơn khi Tổng thống Trump bác bỏ ý tưởng về một “thỏa thuận tạm thời”, và tình hình càng khó khăn hơn sau khi Mỹ liên tục ra các lệnh chế tài Trung Quốc. 

Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, áp dụng từ ngày 15/10 nếu đàm phán không có tiến triển. Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết, Mỹ đang cân nhắc đặt ra hạn chế đối với việc các quỹ đầu tư Mỹ rót vốn vào Trung Quốc. Nếu Mỹ chặn dòng vốn chảy vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc và thị trường tài chính Trung Quốc thì đó sẽ là một điểm xung đột mới trong cuộc đối đầu kinh tế vốn dĩ đã căng thẳng giữa hai bên.

Không có động lực cho vòng đàm phán sắp tới, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục bị cuốn vào cuộc chiến thương mại không có hồi kết. Thị trường tài chính toàn cầu hôm qua đã có phản ứng trước những thông tin căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones của Mỹ phiên đóng cửa hôm qua giảm 1,2% và vàng (kênh đầu tư trú ẩn an toàn) tăng giá trở lại./.

Trần Nga/VOV1


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết