Đề xuất phương án đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới

16:33 30-10-2019 | :883

Laocaitv.vn - Theo bản đề xuất, hai bên Trung Quốc và Mỹ có thể bảo lưu đầy đủ không gian chính sách kinh tế của mình.

37 nhà kinh tế học và luật học Trung-Mỹ vừa chính thức thông qua một bản đề xuất chung về phương án đàm phán thương mại mới giữa hai nước tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Đại học New York Thượng Hải mới đây.

Cờ Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Chinabrands.

Trong số các chuyên gia ký vào bản đề xuất có 5 người từng đoạt giải Nobel về kinh tế. Trong bản đề xuất, các chuyên gia khuyến khích hai nước phân tách các bất đồng và đưa vào các cuộc thảo luận song phương chi tiết và dễ nắm bắt hơn, đồng thời đơn giản hóa quá trình giải quyết các tranh chấp vượt tầm chính sách theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo bản đề xuất, hai bên Trung Quốc và Mỹ có thể bảo lưu đầy đủ không gian chính sách của mình, trong đó Trung Quốc có thể tiếp tục thực thi chính sách công nghiệp và phát triển, còn Mỹ tiếp tục bảo vệ thị trường việc làm và hệ thống khoa học công nghệ.

Các chuyên gia tin rằng khung ý tưởng này sẽ giúp giải quyết những điểm nghẽn trong hòa giải tranh chấp thương mại quốc tế gây nên bởi sự phản ứng chậm trễ của WTO trước những thay đổi nhanh chóng của hiện trạng kinh tế và chính trị.

Theo đó, các vấn đề giữa hai bên có thể chia vào 4 "giỏ", gồm cấm kỵ, đàm phán và phối hợp song phương, điều chỉnh trong nước, và quản trị đa phương, đi kèm với đó là những chiến lược đàm phán và phản ứng chính sách khác nhau.

Đây được coi là phương án chiết trung giữa hai phương án hiện đang tồn tại giữa hai bên, tức hoặc Trung Quốc cải cách kinh tế toàn diện, hoặc "tách rời" hai nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng nếu thực hiện theo cách hiện nay, nền kinh tế sẽ bị phá hoại nghiêm trọng, trong khi cách làm mới có thể giúp hai nước có không gian lớn hơn, có thể cùng lúc thực thi các chính sách kinh tế trong nước và cả những đối sách nhằm chống lại những tổn hại gây ra cho các chính sách này.

Với phương án mới này, đại diện đàm phán hai nước có thể hướng tới "tái cân bằng" kết cấu kinh tế toàn cầu, đồng thời có thể tránh được sự leo thang trong các chính sách trừng phạt hoặc gây ra tổn hại không đáng có cho nước thứ 3./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết