Mỹ và châu Âu đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất cho dịch Covid-19

12:25 28-03-2020 | :458

Laocaitv.vn - Ngày 27/3, Mỹ và châu Âu tiếp tục trải qua một ngày tồi tệ khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Mỹ đánh dấu số ca mắc Covid-19 vượt quá 100.000 người, trong khi đó, Italy vượt số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc, trở thành nước thứ hai có nhiều người nhiễm bệnh nhất.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính tới sáng nay (giờ Việt Nam), Mỹ đã có 104.142 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, tính tới lúc này, Mỹ đang là nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, Thống kê mới nhất cũng cho thấy thành phố New York là nơi có nhiều ca nhiễm nhất, với hơn 1 nửa số ca nhiễm của Mỹ.

Mỹ và châu Âu đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất cho dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Nhằm đối phó với dịch bệnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này sẽ sản xuất 100.000 máy thở trong 100 ngày tới.

“Trước hết, chúng tôi sẽ giao hàng nghìn máy thở,  nhưng trong vòng 100 ngày tới chúng ta sẽ sản xuất bổ sung 100.000 máy thở. Như vậy, chỉ trong vòng 100 ngày, chúng ta sẽ sản xuất máy thở gấp 3 lần số lượng được sản xuất trong một năm ở Mỹ”, Tổng thống Trump khẳng định.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng công bố cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro làm quan chức điều phối Đạo luật Sản xuất quốc phòng. Đây là đạo luật nhằm chỉ đạo các công ty sản xuất các vật tư cần thiết khẩn cấp như mặt nạ cho nhân viên y tế và máy thở cho các bệnh nhân nặng.

Cùng ngày, lực lượng công binh của Lục quân Mỹ thông báo đang cân nhắc khả năng chuyển đổi khoảng 100 cơ sở tại nước này thành các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Tại châu Âu, số ca nhiễm Covid-19 cũng tăng nhanh chóng. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia cho biết, hôm qua, nước này ghi nhận thêm 5.959 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lên 86.498 trường hợp. Như vậy, sau 5 tuần dịch bệnh bùng phát tại Italia, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt qua Trung Quốc, hiện ghi nhận 81.342 trường hợp.

Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 37.298 trường hợp (tăng 2.409 ca), và số ca tử vong tăng 541 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của vùng này lên 5.402 trường hợp.

Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy Silvio Brusaferro cho rằng, dịch bệnh Covid-19 tại nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm mặc dù ghi nhận sự suy giảm đáng kể trên đường cong biểu đồ dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Brusaferro nêu rõ, dịch Covid-19 tại Italia không phải trong giai đoạn suy yếu mà là tăng chậm lại, theo đó các biện pháp hạn chế tối đa hoạt động đi lại của người dân, mà chính phủ đang áp dụng, vẫn cần phải duy trì. Ngoài ra, Chủ tịch Brusaferro khẳng định, virus SARS-CoV-2 không được tạo ra trong phòng thí nghiệm và các giả thuyết khác về dịch bệnh đều không có cơ sở khoa học.

Một nước châu Âu khác là Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục trong vòng 1 ngày. Theo đó, trong ngày hôm qua, Tây Ban Nha ghi nhận 7.871 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 64.059 người,  trong đó 9.444 là nhân viên y tế. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số nhân viên y tế nhiễm Covid-19 ở nước này hiện cao nhất thế giới.

Trước tình hình việc kiểm soát dịch bệnh đang ở thời điểm khó khăn, nhiều nước tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh.

Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4, thay vì đến 31/3 như dự kiến ban đầu. Theo thông báo các quy định hạn chế di chuyển vẫn giữ nguyên, song cảnh báo rằng có thể tiếp tục gia hạn tùy theo tình hình thực tế.

Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã thông báo quyết định kéo dài lệnh cách ly diện rộng thêm 2 tuần tức đến ngày 19/4, nhằm làm chậm sự lây lan của bệnh dịch Covid-19.

Nhằm khống chế dịch, các nước khác như Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Nga cũng đưa ra các biện pháp như: tiếp tục giới hạn số lượng người được phép tập trung, hội họp, đóng cửa tất cả các quán cà phê và nhà hàng và các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng, đồng thời yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành khuyến nghị người dân hạn chế đi lại, kể cả đi du lịch và nghỉ dưỡng.

Nhấn mạnh đến sự hợp tác ở cấp độ châu lục, Tổng thống Italy Sergio Mattarella ngày 27/3 cho rằng, châu Âu cần phải thông qua biện pháp mới để đối phó với mối de dọa của dịch Covid-19. Theo ông Mattarella, các nước cần phải hành động trước khi quá muộn

“Tôi hy vọng mọi người hiểu đầy đủ, trước khi quá muộn, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và mối đe dọa mà châu Âu đang phải đối mặt. Sự đoàn kết không chỉ đảm bảo các giá trị của liên minh mà còn là lợi ích chung của các nước trong khu vực”, ông Mattarella nhấn mạnh.

Theo thống kê của Worldometers, tính đến sáng nay, giờ Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã lên đến gần 600.000, trong đó hơn 27.000 người tử vong./.

tổng hợp


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết