Laocaitv.vn - Đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa thông qua có nhiều điểm tiến bộ, giải quyết quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.
Laocaitv.vn - Đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa thông qua có nhiều điểm tiến bộ, giải quyết quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, để tạo được sự đồng thuận của xã hội và tất cả các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng, cần có nhiều giải pháp và cách thức để thực hiện và cần phải thực hiện có lộ trình. Bởi nếu làm vội sẽ thiếu bền vững và ảnh hưởng lớn đến hệ thống chung, kể cả lực lượng lao động, doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước trong lâu dài.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước).
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, các đại biểu Quốc hội đều mong muốn và kỳ vọng lợi ích cho người lao động là nhiều nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước và già hóa dân số, đất nước đang phải tiếp tục phát triển đòi hỏi phải có quyết sách trong thời điểm này. Về lâu dài, nếu điều kiện đất nước phát triển hơn, Bộ luật có thể điều chỉnh một số chính sách tốt hơn để đầu tư, chăm lo cho người lao động tốt hơn.
“Trong luật cũng có một cơ chế mở cho người lao động được nghỉ sớm hơn nếu sức khỏe không tốt và cũng có những danh mục ngành nghề độc hại và một số điều kiện thì sẽ không phải tăng tuổi thì vẫn được cơ chế mở cho phép người lao động lựa chọn là nên làm hay không nên làm, chứ không phải ép buộc, không phải là ép buộc cho bằng được”- đại biểu Hạnh cho biết.
Về quyền lợi của người lao động, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng cho rằng phải có sự chăm lo tốt hơn để khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm, tham gia các chính sách an sinh xã hội, giúp người lao động yên tâm hơn khi tham gia thực hiện.
“Về tuổi nghỉ hưu, lộ trình này không phải là lập tức năm 2021 là 60 tuổi ngay mà từng bước từng bước, mỗi năm nữ tăng 4 tháng, nam tăng 3 tháng. Đến năm 2028 thì nam năm đầu tiên là 62 tuổi nghỉ hưu và đến năm 2035 thì mới có nữ đầu tiên là 60 tuổi nghỉ hưu. Có thể bước đầu sự đồng thuận của mọi người chưa thực sự đạt được cao nhất như mong muốn nhưng từng bước tuyên truyền, giải thích và chăm lo chính sách, các điều kiện làm việc cho người lao động tốt hơn thì mọi người sẽ đồng lòng tham gia”- đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho biết.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đem lại một số quyền và lợi ích của chủ sử dụng lao động. Theo đó, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là điều kiện để chủ sử dụng lao động chủ động trong việc xử lý vấn đề lực lượng lao động.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
“Liên quan đến quản lý nhà nước về tiền lương, trước đây Nhà nước quản lý chặt về tiền lương của doanh nghiệp như: thang lương, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tập thể thì trong Bộ luật lần này quy định toàn bộ vấn đề tiền lương, Nhà nước chỉ quản lý vấn đề tiền lương tối thiểu còn lại là cơ chế tiền lương, cách thức trả lương, thang lương, bảng lương, định mức lao động là giao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm”- ông Bùi Sỹ Lợi nêu rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Bộ luật Lao động lần này cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết quyền lợi quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động bao gồm chủ sử dụng lao động và người lao động.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá, việc điều chỉnh Bộ luật Lao động năm 2019 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo đại biểu, Luật Lao động nói chung của thế giới được coi như là một luật cơ bản vì nó tác động trực tiếp đến động lực của sự phát triển giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Vì vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng cơ bản đáp ứng trong bối cảnh trước mắt, đương nhiên Luật cũng phải gắn chặt với hiện tại. Đại biểu Dương Trung Quốc mong muốn thời gian tới, Bộ luật này cần mở ra những thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở có sự giám sát của xã hội, trong đó sự tham gia của tổ chức công đoàn là vô cùng quan trọng./.
Thy Hạt/VOV.VN
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết