Laocaitv.vn - Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường Tiểu học trên toàn quốc có thể đề xuất bổ sung giáo viên Tiếng Anh và Tin học.
Laocaitv.vn - Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường Tiểu học trên toàn quốc có thể đề xuất bổ sung giáo viên Tiếng Anh và Tin học.
Từ năm học 2020-2021, các trường Tiểu học trên cả nước sẽ thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giáo viên toàn quốc là 1,42 giáo viên/lớp cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều (toàn quốc có 383.771 giáo viên Tiểu học, trong đó biên chế chính thức 324.856 (đạt tỷ lệ 84,7%), thực hiện chế độ hợp đồng 58.915 số giáo viên chưa được xét tuyển biên chế chính thức không yên tâm công tác). Điều còn bất cập là số lượng giáo viên đối với các môn học mới ở Tiểu học khi thực hiện chương trình mới chưa đáp ứng yêu cầu như môn Tiếng Anh, Tin học.
Có thể tuyển giáo viên Tiếng Anh và Tin học theo vị trí việc làm
Để khắc phục tình trạng trên, Tiến sĩ Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội vụ đã có Công văn số 1495/BNV-TCBC ngày 05/4/2019 về việc yêu cầu UBND các tỉnh thành phố rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục và y tế để có phương án giao bổ sung trong thời gian tới, hiện nay các địa phương đã tiến hành rà soát theo thẩm quyền và gửi về Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT.
Các trường Tiểu học có thể bổ sung giáo viên Tiếng Anh và Tin học (ảnh minh họa)
Theo chương trình hiện hành môn Tin học và Tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển giáo viên. Tuy nhiên, theo Thông tư 32 về Ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc nên đây là căn cứ pháp lí để các địa phương tiến hành tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình mới.
Để thực hiện công việc này, trước hết các trường Tiểu học tiến hành xây Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó bổ sung vị trí việc làm theo định mức đối với giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học đủ định mức số tiết quy định trình Phòng GD-ĐT, UBND cấp huyện tổng hợp trình UBND tỉnh tổng hợp và báo cáo về Bộ Nội vụ theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 1495/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét giao biên chế bổ sung.
Lộ trình thực hiện sẽ từ năm học 2020- 2021 và đến năm học 2025- 2026 phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lí giữa các môn theo qui định của chương trình và Thông tư 32 là căn cứ pháp lý để các địa phương chỉ đạo các trường Tiểu học, bổ sung vào vị trí việc đối với giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh.
Các địa phương có tỷ lệ giáo viên thấp cần tiến hành lên phương án tuyển dụng giáo viên để đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày (Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Tháp: 1,3; Hà Giang, Tuyên Quang: 1,33; Hưng Yên: 1,37..) đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tin học và Tiếng Anh.
100% giáo viên lớp 1 được bồi dưỡng
Giáo viên giảng dạy lớp 1 khi thực hiện chương trình mới: 100% giáo viên giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng để dạy chương trình mới cụ thể mỗi lớp 1 phải bồi dưỡng cho ba đối tượng: giáo viên dạy môn chung, giáo viên dạy âm nhạc, giáo viên dạy Mỹ thuật (toàn quốc dự kiến năm học 2020-2021 có khoảng 63.500 lớp1).
Theo Tiến sĩ Thái Văn Tài, những đối tượng này địa phương phải chủ động thực hiện bồi dưỡng theo Kế hoạch số 263/KH-BGDĐT ngày 29/3/2019 về chi tiết các hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2019.
Nội dung tập huấn là hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Các Sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH Sư phạm tham gia chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) để lên kế hoạch bồi dưỡng và phải hoàn thành trước tháng 12/2019.
Trên cơ sở đó, cùng với các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện được quy định của chương trình mới theo lộ trình như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội./.
Bích Lan/VOV.VN
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết