Chuyển từ du lịch “một mùa” sang du lịch bền vững, hấp dẫn khách du lịch quay trở lại

14:50 15-03-2023 | :451

Laocaitv.vn - Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/03/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ.

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chuyên gia, cơ quan truyền thông. 

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch; nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới.

Toàn cảnh hội nghị.

Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/03/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại, cả du lịch nội địa. 

Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển KTXH; góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn tồn tại những hạn chế như việc khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước COVID-19 tuy có sự tăng trưởng nhanh nhưng lượng khách đến vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực; tỷ lệ khách du lịch quốc tế quay trở lại chưa cao.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao  và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Dù là nước mở cửa du lịch từ sớm nhưng tỷ lệ khách quốc tế năm 2022 so với năm 2019 của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Theo báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch, chỉ số phục hồi du lịch sau COVID-19 của Việt Nam mới đạt 18,1%, thấp nhất trong khu vực.

Nhìn chung ngành du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao và phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng và được chỉ đạo chuẩn bị từ sớm với rất nhiều kỳ vọng về những bước phục hồi, phát triển đột phá của du lịch và qua đó, góp phần tích cực vào phát triển các ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan, cũng như phát triển KTXH đất nước nói chung.

Thủ tướng cho biết, kể từ sau hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020, ngành Du lịch đã trải qua 02 năm khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19. Trước tác động nặng nề đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động; nhất là phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Đúng 01 năm trước, ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, chúng ta đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm hơn so với rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây là bước ngoặt quan trọng để phục hồi kinh tế - xã hội.

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị.

Với những nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành du lịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, năm 2022, thị trường du lịch Việt Nam đã từng bước được khôi phục.

Tuy nhiên, nhiều nước, thị trường, đối tác du lịch lớn, truyền thống của ta diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và phải thực hiện các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực bởi xung đột Nga-Ukraine đã làm cho du lịch nước ta gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thu hút khách du lịch quốc tế.

Thủ tướng chỉ rõ, năm 2023 và thời gian tới, các rào cản xuất nhập cảnh do COVID-19 sẽ được xóa bỏ. Động thái này sẽ mang lại những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh giữa ta và các thị trường du lịch khác.

Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra đòi hỏi chúng ta phải tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; Thủ tướng đề nghị đưa ra những câu trả lời cho những câu hỏi như: Phát triển du lịch đã đi đúng hướng chưa? Chúng ta đã tận dụng hết những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng chưa? Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukcraine…, đâu là những nguyên nhân chủ quan làm cho du lịch chưa thực sự có bước bứt phá?

Các đại biểu dự hội nghị.

Cách làm của chúng ta đã phù hợp chưa? Đã đúng, đã trúng chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng làm du lịch kiểu manh mún, chộp giật? Tại sao tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn thấp? Chúng ta đã làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa? Tại sao chỉ 18% khách Hàn "tự tin hiểu biết về Việt Nam", còn 62% khách Nhật nói rằng họ chỉ biết “tương đối”.

"Chúng ta là nước mở cửa du lịch sớm trong khu vực; vậy lý do nào khiến chúng ta “đi chậm”, “đi trước về sau” như vậy? Chính sách gì để liên kết phát triển du lịch, hợp tác công tư, huy động nguồn lực? Cơ chế nào để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch như chính sách visa, kết nối giao thông; hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, khuyến khích, ưu đãi đầu tư du lịch...? Giải pháp hiệu quả nào để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao như thế nào? Kinh nghiệm quốc tế nào của các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia trong khu vực, mà chúng ta có thể học tập được? Để đạt và vượt mục tiêu năm 2023: phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng phải thực hiện các biện pháp nào?"- Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng nhấn mạnh, “chúng ta suy nghĩ cái gì để tạo đột phá? chúng ta phải phát huy tối đa những cái chúng ta đã làm được, những kinh nghiệm hay bài học quý, những cái đặc thù rất khác của chúng ta để phát triển đi lên; văn hóa gắn với du lịch thế nào? phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí thế nào để hỗ trợ cho du lịch? du lịch không thể phát triển một mình được, du lịch không thể phát triển nếu như hạ tầng không phát triển, du lịch không thể phát triển nếu như văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu như công nghiệp giải trí không phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Trách nhiệm của các bộ, ngành, Hiệp hội như thế nào của doanh nghiệp như thế nào? người dân như thế nào? rồi Chính phủ như thế nào? tất cả đều vào cuộc để chung tay phát triển ngành du lịch. Những cái gì được là thành quả chung của tất cả, những cái gì chưa được cũng là trách nhiệm của tất cả, chúng ta không có đổ lỗi, không trách cứ, hay là không có ai cứu ai ở đây cả mà chúng ta tự cứu mình, chúng ta tự phấn đấu vươn lên bằng chính bàn tay khối óc, bằng mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, bằng tự lực, tự cường và chúng ta có hướng đi bằng chính cái đặc thù, đặc điểm của đất nước chúng ta.”

Ông Đinh Việt Phương - Giám đốc điều hành Vietjet Air phát biểu tại hội nghị. 

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những thời cơ thuận lợi cũng nhưng khó khăn thách thức. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp điều khách hàng cần”; từ du lịch “một mùa”, sang du lịch bền vững, hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần.

Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. 

Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết, hình thành chuỗi giá trị du lịch; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Về phương châm hành động và những nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng chỉ rõ 3 nhiệm vụ cụ thể tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.

Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.

Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm của hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.

Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch hội nghị, du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch miệt vườn, du lịch nông thôn…

Tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ phát hỗ trợ phát triển du lịch.

Khẩn trương kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại. Việc này rất cần thiết trong bối cảnh chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Bộ Công Thương lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch.

Toàn cảnh hội nghị. 

UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Hiệp hội du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành “công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người; là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Trong giai đoạn mới, Thủ tướng tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân; đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo, tích cực của Bộ VHTTDL, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh - Điểm đến an toàn, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc./.


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết