Lãi suất huy động giảm, doanh nghiệp vẫn phải vay lãi cao

14:26 25-05-2023 | :299

Laocaitv.vn - Sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều nhà băng trong nước đã hạ dần lãi suất huy động, song lãi suất cho vay vẫn gần như "đứng yên".

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành 2 quyết định giảm lãi suất điều hành, có hiệu lực từ hôm nay (25/5/2023). Để tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các đơn vị, ngân hàng tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023.

Gần đây, NHNN liên tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. (Ảnh minh họa: KT)

Sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều nhà băng trong nước đã rục rịch hạ dần lãi suất huy động, song lãi suất cho vay vẫn gần như "đứng yên", doanh nghiệp vẫn phải đi vay ngân hàng với mức lãi suất cao. Có giám đốc doanh nghiệp than rằng, lãi suất giảm "chỉ có trên báo", hiện tại doanh nghiệp vẫn đang chịu lãi cho khoản vay ngân hàng với mức 13,9%/năm.

Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP để giải tỏa cơn khát vốn và chống chọi với khó khăn đang bủa vây ở thời điểm hiện tại. Dù các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 5 song đến nay vẫn chưa có nhiều động thái hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Vì sao doanh nghiệp khó vay ngân hàng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải chịu mức lãi suất cao. Có những doanh nghiệp càng vay, càng làm càng lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cho vay bất động sản ban đầu rất thấp. Sau đó lãi suất được tính theo công thức lãi suất huy động bình của các ngân hàng lớn chia lãi suất cơ sở, cộng thêm một biên độ lãi suất 3 - 5%. Ngoài bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang phải chịu mức lãi suất cao, rất khó để mở rộng quy mô sản xuất, thậm chí là duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hiếu cho rằng, NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa là động thái rất tốt nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhưng khó giúp các doanh nghiệp có thể vay vốn được. Vì các doanh nghiệp có thể vay vốn được hay không không chỉ là vấn đề lãi suất mà còn ở vấn đề về rủi ro. Rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản khiến rủi ro tăng rất cao, khiến các ngân hàng không dám cho vay.

"Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng vì trải qua khủng hoảng kéo dài, các doanh nghiệp hầu như đã không còn đủ điều kiện vay vốn. Nếu cố cho vay thì ngân hàng sẽ phải chịu rủi ro rất lớn", ông TS. Hiếu lý giải.

Bên cạnh đó, các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hoặc 120.000 tỷ đồng có những quy định, điều kiện cho vay rất ngặt nghèo khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng.

"Doanh nghiệp sợ bị thanh tra, kiểm tra mà ngại tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cũng là một trong những lý do đã và đang diễn ra. Bởi nhiều doanh nghiệp hoạt động còn chưa rõ ràng về các khoản thuế. Nếu vay được vốn ở nguồn tín dụng hỗ trợ lãi suất, khi bị thanh tra, kiểm tra biết bao nhiêu những thứ chưa rõ ràng bị phơi bày nên họ không muốn vay nguồn vốn này", TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.

Vì sao lãi suất cho vay khó giảm?

Chia sẻ trên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét lãi suất điều hành giảm là tín hiệu tốt cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề nội tại của các ngân hàng chưa được giải quyết cũng sẽ khó có thể giúp lãi vay đi xuống.

Lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu hay cho vay bù đắp thiếu hụt thanh toán của NHNN thường giải quyết bài toán thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng phải có giấy tờ có giá thì mới có thể tiếp cận được dòng vốn này. Nguồn vốn ngân hàng cho vay vẫn chủ yếu huy động từ khu vực khách hàng, ông Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Theo dữ liệu NHNN tính đến cuối tháng 4, huy động vốn của các ngân hàng tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%. Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, khi tốc độ huy động vốn của ngân hàng thấp hơn cho vay thì khả năng chi phí vốn huy động khó kéo giảm xuống. Trong chi phí vốn, lãi suất huy động hiện chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ 1 - 2 ngân hàng đang cần vốn để xử lý các vấn đề nội tại của họ mà huy động lãi cao hơn các ngân hàng khác thì mặt bằng lãi suất chung khó giảm.

Trong khi đó, một số ngân hàng hiện nay đã sử dụng hết hạn mức (room) tín dụng thì khó có thể điều chỉnh giảm lãi vay trên thị trường. Các ngân hàng lớn có dòng vốn rẻ, dồi dào mới có điều kiện giảm lãi vay xuống. Thế nhưng, họ cũng cẩn trọng nên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận. Chính vì vậy, doanh nghiệp mới tìm đến khối khách hàng thương mại có lãi suất cao hơn. Trong khi room tín dụng hạn hẹp, một số ngân hàng còn phải xử lý vấn đề về trái phiếu nên lãi suất vay khó có thể giảm. Nếu không sớm giải quyết câu chuyện room tín dụng thì khả năng ngân hàng sẽ hết hạn mức cho vay, và khó có thể giảm lãi suất đầu ra./.


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết