Quốc hội xem xét về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

20:47 05-11-2024 | :129

Laocaitv.vn - Hôm nay 05/11, Quốc hội thảo luận một số luật tại hội trường. Nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến, xem xét về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Quang cảnh kỳ họp.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 chương, 116 điều. Hiện, một số nội dung còn ý kiến khác nhau cần tập trung thảo luận. Trong đó, có nội dung về quản lý đối với khoáng sản nhóm IV, gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất, đá thải mỏ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp nhằm tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản. Cũng có ý kiến đề nghị cần xem xét cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm IV thay vì thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại kỳ họp.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo: "Đối với khoáng sản nhóm IV, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể liên quan đến công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác không để trục lợi chính sách".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, qua 13 năm thực hiện, chính sách “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả chính sách, khắc phục các vấn đề phát sinh, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Với quy định đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết; hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.

Biên tập: Ngọc Hà


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết