Trình dự án sửa đổi Luật Giáo dục và thảo luận dự án Luật An ninh mạng

14:48 29-05-2018 | :583

Laocaitv.vn - Sáng 29-5, Quốc hội đã nghe trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng. Các đại biểu cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật An ninh mạng.

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Đăng Khoa)

Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Dự án Luật được xây dựng nhằm phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục (2005) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009) và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Dự án Luật Giáo dục sau 12 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở.

Về giáo dục phổ thông, Luật chưa đặt ra được mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp… đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, nhất là những yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng tự học, các kỹ năng thực hành, hợp tác và làm việc nhóm, ngoại ngữ và tin học; chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam theo học các chương trình đào tạo quốc tế; quan điểm tích hợp chưa được quán triệt đầy đủ trong thiết kế chương trình giáo dục.

Ngoài ra, quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo chưa bảo đảm yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong Luật, một số quy định về chính sách đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Luật cũng chưa phân định quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục giữa trung ương và địa phương chưa rõ; quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình trong việc giáo dục học sinh chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, quy định về chính sách đầu tư cho giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Một số nội dung được sửa đổi, bổ sung bao gồm các nội dung hướng vào các chính sách như: chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội…

Luật cũng sửa đổi một số điều nhằm hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là các đối tượng chính sách, các đối tượng ở vùng nông thôn, vùng khó khăn…

Một trong những nội dung quan trọng mà Luật sửa đổi, bổ sung là bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo.

Luật cũng bổ sung các quy định liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo, xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương…

Dự thảo Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 47 điều, quy định các nội dung về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai và bảo đảm hoạt động an ninh mạng…

Theo Nhandan.com.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết