Đưa phụ nữ vùng cao thoát khỏi hủ tục lạc hậu

06:32 10-12-2023 | :110

Laocaitv.vn - Tảo hôn, trọng nam, khinh nữ... tư tưởng lạc hậu này vẫn còn tồn tại trong không ít người, nhất là ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đưa phụ nữ thoát khỏi những hủ tục, khẳng định vị thế, vai trò trong gia đình, xã hội là nhiệm vụ được các cấp hội phụ nữ nỗ lực triển khai với nhiều giải pháp phù hợp.

Ruộng atiso vừa mới cắt. Giữa trưa, chị Thào Thị Pa vẫn nán lại để làm cỏ. Chồng chị Pa cũng đồng hành cùng vợ, nên công việc đỡ phần vất vả. Trong gia đình chị Pa luôn có sự sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình.

Chị Thào Thị Pa, tổ 2, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Trước tôi cũng đi làm thuê, không biết làm ăn như bây giờ. Giờ làm rau, làm atiso, cũng đỡ vất vả hơn”.

Anh Má A Chinh, tổ 2, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Cả nhà cùng tham gia lao động, cả vợ, cả con không ai là làm chính cả. Trước thích có con trai để đi chăn trâu, cày ruộng. Nhưng giờ thì không như thế nữa, con trai hay con gái đều được”.

Hội Phụ nữ phường Hàm Rồng hiện có 615 hội viên, trên 60% là dân tộc Mông. Để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho chị em, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức được tổ chức hội chú trọng, nhất là việc tạo sinh kế tại chỗ. Năm 2022, hội viên nghèo của phường chiếm 30,9% thì hết năm nay đã có thêm 54 hội viên thoát nghèo.

Nhiều chị em làm chủ các homestay, sản xuất kinh doanh thổ cẩm.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết: “Nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với chị em hội viên phụ nữ. Hỗ trợ vay vốn sản xuất để cho chị em có thể tiếp cận được. Tạo cho chị em những buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống”.

Đề án 938 và 939 của Chính phủ đã và đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa triển khai dưới nhiều hình thức đến trên 13.000 hội viên tại các cơ sở Hội, chú trọng phụ nữ nghèo, yếu thế. Thông qua các đề án này, chị em được tuyên truyền, tham gia tổ truyền thông, tiếp cận các nguồn vốn chính sách, học tập mô hình hay; đồng thời được tham gia các cuộc thi, các diễn đàn ý nghĩa.

Các chị em được tiếp cận các nguồn vốn chính sách, học tập mô hình hay.

Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa chia sẻ: “Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa cũng là một trong các đơn vị được đánh giá cao trong việc vận động tuyên truyền hội viên phụ nữ. Trong những năm 2008 đến nay, Hội Liên hiêp Phụ nữ thị xã đã có khoảng trên 25 đến 30 phụ nữ là tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế - xã hội”.

Ở vùng cao Sa Pa ngày càng có thêm nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số nỗ lực vượt lên số phận và định kiến. Thay cho chuỗi ngày bán hàng rong, nhiều chị em giờ đã làm chủ các homestay, sản xuất kinh doanh thổ cẩm, nhanh nhạy chẳng kém chị em ở vùng xuôi.

 

Thoát khỏi những hủ tục lạc hậu, họ càng thêm tự tin, thể hiện rõ vai trò, vị thế trong mỗi mái nhà và cộng đồng xã hội.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết