Hấp dẫn Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn của chàng trai 8x

08:28 14-12-2019 | :3283

Laocaitv.vn - Khai thác tối đa những lợi thế về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa của các tộc người vùng cao, chàng trai 8X Trần Chí Thành – ông chủ của Hợp tác xã Tả Phìn xanh Sa Pa đã đầu tư xây dựng Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng. Mới đây, sản phẩm dịch vụ du lịch này đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm 4 sao. Với thang điểm xếp hạng này, lần đầu tiên tỉnh Lào Cai có sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn đạt chứng nhận OCOP.

Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và chọn lĩnh vực du lịch làm con đường khởi nghiệp, khao khát của Trần Chí Thành là tạo dựng được sản phẩm du lịch độc đáo của riêng mình, làm giàu cho bản thân và cộng đồng. Lần lượt chuyển đổi qua nhiều môi trường làm việc, rồi chính thức bắt tay vào kinh doanh dịch vụ du lịch tại Sa Pa từ năm 2011 với việc thành lập Công Ty Việt Nam con đường của tôi, nhưng cơ hội chỉ thực sự đến khi năm 2015, vợ chồng anh Trần Chí Thành mua được khu vườn đá Tả Phìn để thực hiện ước mơ của mình. Anh Thành chia sẻ: "Phần lớn du khách quốc tế đến với Sa Pa có nhu cầu tìm hiểu văn hóa bản địa. Bên cạnh những vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên thì yếu tố dân tộc cũng rất quan trọng và thu hút khách du lịch. Xã Tả Phìn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của người dân tộc Dao đỏ và người Mông, vậy nên tôi đã chọn Tả Phìn để phát triển du lịch".

Ông chủ 8x Trần Chí Thành đang chăm sóc cho những gốc hồng tại Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn. (Ảnh: Phạm Dương)

Chọn mảnh đất sơn thủy hữu tình ngay giữa trung tâm xã Tả Phìn, bằng con mắt và kinh nghiệm của một người có nghề trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Trần Chí Thành đã bàn bạc cùng vợ, dồn vốn liếng để cải tạo lạch nước ngầm và bãi đá tự nhiên xung quanh thành Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đậm chất thơ mộng. Chỉ sau một thời gian ngắn, Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đã được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn làm chỗ dừng chân khi thăm thú Sa Pa.

Năm 2018, để huy động vốn và nâng tầm sản phẩm dịch vụ du lịch của mình, vợ chồng anh Thành đã chuyển từ hình thức kinh doanh hộ gia đình sang thành lập Hợp tác xã Tả Phìn Xanh với sự tham gia của 10 thành viên, mở rộng đầu tư nâng cấp toàn bộ chuỗi sản phẩm du lịch Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn. Theo đó, hướng đến mục tiêu đối tượng phục vụ là khách du lịch hạng trung, Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn được thiết kế, quy hoạch thành những chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch khép kín. 

Vườn hoa "khoe sắc" quanh năm. (Ảnh: Phạm Dương)

Với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, toàn bộ trên 12 nghìn mét vuông diện tích nhà vườn được chủ nhân thiết kế cải tạo lại mà không hề phá vỡ kết cấu cảnh quan tự nhiên sẵn có. Xen lẫn những mầm đá triệu năm mọc lên gai góc khắp khu vườn là những thảm rau xanh mướt mát được gieo trồng và chăm sóc đảm bảo an toàn để phục vụ cho nhu cầu ăn nghỉ tại chỗ của du khách. Điểm xuyết khắp vườn đá, những vườn hồng cổ, thược dược, cẩm tú cầu rực rỡ bung sắc quanh năm.

Những mạch nước ngầm mát lạnh phun trào từ các hốc đá cũng được chủ nhân cải tạo thành khe suối nhỏ, vừa cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hệ thống vườn rau, hoa và cây cảnh quanh nhà, vừa để nuôi những loại cá đặc sản nước lạnh như cá hồi, cá tầm, cá hoa... 

Toàn bộ hệ thống nhà nghỉ homestay của Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn cũng được xây dựng và đầu tư nội thất sạch sẽ, lịch sự… Quầy bar, nơi chế biến thức ăn và khu nhà hàng ăn uống, khu trưng bày các vật dụng sinh hoạt của các tộc người bản địa, hay khu dịch vụ tắm lá thuốc nổi tiếng của người Dao đỏ cũng được thiết kế quy mô, sắp xếp bài bản, song vẫn giữ đúng bản sắc sinh hoạt của người dân bản địa, giúp du khách không chỉ được ăn ngon, mà còn được thụ hưởng những ngày nghỉ thư giãn thoải mái và đầy thi vị. 

Khu trưng bày các đồ dùng sinh hoạt của các tộc người bản địa trong Stone Garden Homestay. (Ảnh: Phạm Dương)

Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đã gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ du lịch với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc bản địa. Theo đó, với sự tư vấn của ngành Văn hóa huyện Sa Pa và chính quyền xã Tả Phìn, vợ chồng anh Thành đã thành lập đội văn nghệ của xã với 15 diễn viên, tự bỏ tiền thuê các biên đạo và nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy những điệu múa, câu hát, tiếng khèn của các tộc người Dao đỏ, người Mông. Bình quân mỗi tháng, đội văn nghệ có 15 buổi biểu diễn tại Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn... Không chỉ vậy, mỗi tháng Hợp tác xã Tả Phìn Xanh còn trích một khoản kinh phí nhỏ để những nghệ nhân người Dao đỏ gìn giữ, bảo tồn những bộ sách cổ chữ Nôm Dao. Nhân viên của Hợp tác xã cũng được chính vợ chồng anh Thành hướng dẫn những nghiệp vụ căn bản nhất trong các hoạt động phục vụ du lịch, tạo ra sự chuyên nghiệp mà không hề mai một bản sắc đôn hậu, mến khách và thật thà vốn có của người dân vùng cao.

Nhiều du khách quốc tế đã chọn Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn là điểm dừng chân khi đến Sa Pa. (Ảnh: Phạm Dương)

Tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mà không phá vỡ kết cấu môi trường tự nhiên, Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn mới đây đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm 4 sao – cũng là sản phẩm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đến thời điểm này. Đối với anh Trần Chí Thành thì đó là niềm vinh dự tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm để anh tạo thêm các giá trị cho cộng đồng.

Thành công của mô hình này cũng cho thấy, các địa phương có tour du lịch sinh thái, cộng đồng khác của tỉnh như Y Tý (huyện Bát Xát); Tà Chải (huyện Bắc Hà)… hoàn toàn có thể học tập và nhân rộng mô hình sản phẩm du lịch OCOP theo chuỗi để nâng tầm sản phẩm du lịch của làng bản mình... hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết