Hướng tới khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây bồ đề

09:43 21-09-2020 | :3723

Laocaitv.vn - Vài năm gần đây, nhựa cây bồ đề để sản xuất cánh kiến trắng được biết đến là một loại sản phẩm tự nhiên có giá trị kinh tế cao, dùng làm nguyên liệu để chế biến dược liệu và hương liệu mỹ phẩm cao cấp. Với điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nhựa bồ đề, huyện Văn Bàn đang đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người trồng rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Bàn hướng dẫn người dân lấy nhựa bồ đề.

Huyện Văn Bàn hiện có diện tích rừng trên 111.000 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên, trong đó có hàng trăm ha rừng bồ đề. Từ năm 2017 đến nay, Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú Hà Nội đã tổ chức khai thác, thu mua nhựa bồ đề trên địa bàn để xuất khẩu. Theo đánh giá của đơn vị thu mua, nhựa bồ đề ở Lào Cai có năng suất, chất lượng cao, với giá 350.000đ/kg nhựa, 1 ha bồ đề thu từ 60 đến 90 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với sản xuất lấy gỗ trước đây. Chính vì vậy, nhiều diện tích trồng bồ đề đã đến tuổi khai thác gỗ thay vì bán gỗ bà con đã chuyển sang khai thác nhựa.

“Chúng tôi đánh giá đây là sản phẩm rất hay, mở ra hướng đi mới có tiềm năng cho người dân. Người dân vừa phát triển cây bồ đề lấy gỗ, song song với đó là lấy nhựa bồ đề. Giá trị của nhựa bồ đề cao gấp 2 - 3 lần giá trị gỗ”, ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết.

Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển sản phẩm cánh kiến trắng, tạo thu nhập bền vững cho người dân, năm 2018 được Dự án GREAT của Chính phủ Úc hỗ trợ, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã đề xuất thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cánh kiến trắng tại huyện Văn Bàn. Để triển khai dự án, huyện Văn Bàn điều tra, rà soát hiện trạng cây bồ đề, thực hiện 5 mô hình cải tạo rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa với diện tích 5 ha. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cải tạo rừng trồng cây bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa. Trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây bồ đề lấy nhựa với 340 người tham gia, trong đó 60% là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên một ha diện tích, doanh nghiệp còn phối hợp với huyện Văn Bàn triển khai thí điểm mô hình trồng gừng dưới tán rừng bồ đề, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm đã cho thấy hiệu quả tốt.

Trồng gừng dưới tán bồ đề để nâng cao thu nhập cho người dân.

“Đối với 2019 Công ty Đức Phú đưa mô hình trồng thử gừng hữu cơ, có 10 hộ tham gia và đến cuối 2019 đã lấy được chứng nhận hữu cơ cho 10 hộ và sản lượng trung bình 7 đến 10 tấn gừng/1 tấn giống. Đến năm 2020 số hộ tham gia là 25 hộ”, anh Trần Văn Đính, Phó Giám đốc kỹ thuật, Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú cho biết.

Với giá công ty ký hợp đồng bao tiêu là 10.000 đồng/kg gừng tươi, năng xuất bình quân từ 8 - 12 tấn/ha, 1 ha rừng bồ đề sẽ có thêm nguồn thu cả trăm triệu đồng từ cây gừng…

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Văn Bàn đã phát triển gần 500 ha bồ đề, mục tiêu đặt ra sẽ phát triển lên 1.000 ha trong những năm tới. Huyện Văn Bàn đang phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người dân quy trình sản xuất bồ đề lấy nhựa. Đồng thời, đẩy mạnh mở rộng diện tích gừng dưới tán bồ đề, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết