Laocaitv.vn - Từ khi cầm quyền đến nay, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, coi đó là phương châm cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Laocaitv.vn - Từ khi cầm quyền đến nay, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, coi đó là phương châm cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Hệ thống chính trị được thiết lập từ cấp Trung ương đến cơ sở, theo phân cấp hành chính, cấp cơ sở là cấp cuối cùng của hệ thống tổ chức hành chính gồm xã, phường, thị trấn (cấp xã), dưới cấp xã còn thôn, tổ dân phố… Đây không phải là cấp hành chính mà là cộng đồng tự quản của cộng đồng dân cư. Ở cấp xã, hệ thống chính trị được tổ chức đầy đủ như các cấp trên, còn ở cộng đồng tự quản thôn, tổ dân phố… được tổ chức linh hoạt tùy theo tình hình cụ thể.
Trong thực tế, do đoàn viên sinh hoạt đoàn ở trường học (phổ thông, chuyên nghiệp, v.v.) hoặc nơi làm việc, vì vậy một số thôn, tổ dân phố không thành lập được chi đoàn thanh niên ở khu dân cư. Có thôn, tổ dân phố không thành lập được Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân…do không đủ số lượng hội viên theo quy định của điều lệ các tổ chức. Theo chính sách hiện hành, mỗi thôn, tổ dân phố chỉ có 3 vị trí là bí thư chi bộ, trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố) và trưởng ban công tác Mặt trận có phụ cấp, còn các vị trí khác đều hoạt động trên tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, người công dân, tự nguyện vì cộng đồng. Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố nên hiện nay thôn, tổ dân phố có quy mô lớn hơn, có thôn, tổ dân phố lên đến trên 300 hộ, đây là một trong những khó khăn đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố. Hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố nhìn chung hoạt động đáp ứng được yêu cầu, song vẫn còn một số thôn, tổ dân phố ngoài hoạt động của chi bộ, thôn, tổ dân phố ra còn các tổ chức khác hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp cơ sở giúp thắt chặt mối quan hệ và chung tay xây dựng cộng đồng dân cư lành mạnh, ấm no, hạnh phúc. (Ảnh minh họa)
Do địa bàn rộng, số hộ dân cư đông, hoạt động không có phụ cấp, hiện nay ở thôn, tổ dân phố thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn, cử người tham gia làm chi hội trưởng các chi hội như: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Khuyến học, v.v. Từ thực tế nêu trên, để các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố hoạt động có hiệu quả cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, sát sao của Đảng ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ Đảng đối với việc thành lập và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố.
Thứ hai, lựa chọn, bố trí những đảng viên, công dân nhiệt tình, trách nhiệm, có điều kiện, sẵn sàng hoạt động vì cộng đồng đảm nhận vị trí chi hội trưởng, chi hội phó các chi hội ở thôn, tổ dân phố.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ, động viên, tôn vinh đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó các chi hội, vì đội ngũ này là những người hoạt động trên tinh thần tự nguyện, cống hiến vì cộng đồng là trên hết.
Thứ tư, các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở thường xuyên quan tâm, hướng dẫn cụ thể, chi tiết các hoạt động, đồng thời giảm thiểu các yêu cầu mang tính chất hành chính đối với các tổ chức ở thôn, tổ dân phố.
Thứ năm, tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của các tổ liên gia, thông qua đó nâng cao tính cố kết cộng đồng ở khu dân cư góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở phát triển vững mạnh.
Công tác củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp cơ sở, nhất là ở thôn, tổ dân phố không chỉ là công cụ thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn thắt chặt mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, động viên mọi công dân, mọi gia đình nâng cao trách nhiệm với cuộc sống và chung tay xây dựng cộng đồng dân cư lành mạnh, ấm no, hạnh phúc.
Bài: Bùi Thị Ánh Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết